Sức sống mới ở xã Anh hùng Sơn Điền

02:08, 25/08/2011

Sau 5 năm trở lại Sơn Điền, chúng tôi bất ngờ về quá trình “thay da đổi thịt” của vùng căn cứ kháng chiến cũ tại huyện Di Linh.

Sau 5 năm trở lại Sơn Điền, chúng tôi bất ngờ về quá trình “thay da đổi thịt” của vùng căn cứ kháng chiến cũ tại huyện Di Linh. Con đường từ ngã ba Quốc lộ 28 dẫn vào trung tâm xã chỉ dài 17 km nhưng trước đây chúng tôi mất gần 5 giờ mới vào đến nơi, nay đã thảm nhựa phẳng phiu chạy như dải lụa vắt qua giữa những cánh rừng. Chạy xe bon bon trên cung đường này, mới thấy cái giá hơn 30 tỷ đầu tư 17 km đường cho bà con vùng sâu thật có ý nghĩa. Khoảng hai mươi phút chạy xe từ ngã ba Bảy Mươi, chúng tôi đã có mặt bên cạnh những người đồng bào K’Ho ở xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Sơn Điền.
 
Học sinh Sơn Điền vui đón năm học mới.
Học sinh Sơn Điền vui đón năm học mới.

Nhìn từ đỉnh đèo, cửa ngõ vào xã, Sơn Điền như một thung lũng được vây bọc, chở che bởi bạt ngàn rừng xanh. Những căn biệt thự, những mái nhà kiên cố đỏ chói ngói mới xen lẫn hàng trăm ngôi nhà sàn truyền thống ẩn giữa vườn cà phê xanh tạo nên một bức tranh nhiều gam màu tươi sáng, nhiều sinh khí cho vùng căn cứ xưa. Người đầu tiên chúng tôi ghé thăm là già làng K’Quyết ở thôn Kon Sỏh. Bước qua ngưỡng 50 năm tuổi Đảng nhưng lão tiền bối này còn minh mẫn và hào sảng khác thường. Ông nói ngay với khách xa: “Ngày kháng chiến chống Mỹ, xã Trung Sơn (tên cũ của xã Sơn Điền) chỉ có khoảng 300 người dân nhưng có tới 15 liệt sỹ cả nam và nữ. Đồng bào ở đây từng ăn bắp, ăn củ mì để nhường cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Bây giờ thì đủ cả rồi, cách mạng đã mang về cho người K’Ho no ấp, đủ đầy”. Sự đủ đầy của người dân Sơn Điền được minh chứng bằng những tuyến đường nhựa đến xã, những dãy cột điện lưới quốc gia thẳng tắp băng qua những vườn cà phê… Trường học cấp I - II khang trang xây dựng nhiều tỷ đồng đáp ứng nhu cầu học tập của gần 600 học sinh là con, em đồng bào. Trạm y tế xã có đầy đủ các tủ thuốc, y bác sỹ người Kinh, người K’Ho trực 24/24, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người bản địa. Quan sát phong cách làm việc, trang thiết bị và sự tận tình chu đáo của y, bác sỹ Trạm Y tế Sơn Điền thấy ấm áp vì quá khứ cơ hàn mỗi khi có người đau ốm của người dân vùng căn cứ đã lùi xa.

K’Bôn - Chủ tịch UBND xã trẻ măng và năng động không sử dụng sổ tay nhưng đọc vanh vách cho chúng tôi hàng chục thông số kinh tế, xã hội phấn khởi. Toàn xã Sơn Điền có 526 hộ dân với hơn 2.560 nhân khẩu người K’Ho, hiện đã không còn hộ đói. Theo K’Bôn, từ khi Đảng và Nhà nước triển khai hiệu quả chương trình định canh, định cư và chuyển giao mạnh mẽ khoa học công nghệ cho đồng bào phát triển sản xuất, số hộ nghèo của xã đã nhanh chóng giảm rõ rệt. Tính theo tiêu chí mới, năm 2011, chỉ còn chưa tới 30% số hộ trong xã thuộc diện nghèo. Số gia đình mua sắm được xe gắn máy, phương tiện nghe nhìn đạt gần 100% và có không ít hộ sắm được phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất. Sau khi định canh, định cư, hiện Sơn Điền đã có hơn 500 ha cà phê; 80 ha ngô phục vụ chăn nuôi đại gia súc và 120 ha lúa nước đảm bảo tự lo được lương thực cho người dân. Ở tất cả 6 thôn, buôn Langbang, Hà Giang, Ka Liêng, Bờ Nơm, Bó Cao, Đăng Gia và Kon Sỏh đều có những nông dân K’Ho vươn lên làm giàu với thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. Ông K’Xở ở thôn Langbang, người có thu nhập hơn 200 triệu/năm từ thâm canh cà phê Catimo nói: “Hầu hết bà con đã biết trồng cà phê và có thu nhập tốt. Nhờ tham gia đầy đủ các lớp chuyển giao khoa học công nghệ trồng cây công nghiệp lâu năm, bây giờ mình và tất cả các hộ trong thôn này đều đã tự tin trồng thành công các giống cà phê catimo, robusta và chăn nuôi lợn, bò… Không sợ đói nữa đâu!”.

Thống kê chưa đầy đủ của lãnh đạo địa phương, đến trước mùa tuyển sinh 2011, xã Sơn Điền đã có 22 sinh viên là con, em đồng bào K’Ho vào học các trường đại học tại thành phố Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội… Gia đình các ông K’Bảy, K’Nhân, K’Thành ở thôn Đăng Gia; bà Ka Ngô, ông K’Hoa ở thôn Bó Cao… là những tấm gương điển hình hiếu học. Từ ngày kinh tế còn khó khăn, năm, bảy năm trước, họ đã đầu tư cho con, em vào các trường Đại học trong nước. Mang theo niềm vui của đồng bào vùng căn cứ, chúng tôi đến Trường Tiểu học Sơn Điền và nghe thầy giáo Trần Văn Hà - Hiệu trưởng nhà trường “khoe”: “Hội đồng sư phạm của trường có 25 giáo viên, trong đó có 9 thầy, cô giáo là đồng bào K’Ho bản địa. Thành quả này là điều chưa bao giờ có ở đây. Trường có hơn 300 học sinh, hơn 99% là học sinh K’Ho nhưng bây giờ các em đã đến trường chuyên cần và học tập chăm chỉ lắm. Sự gian nan vận động duy trì sĩ số của chúng tôi đã qua rồi!”.

Đứng trên tầng 2 của ngôi trường mới khang trang nhìn học sinh Trường Tiểu học Sơn Điền đồng diễn thể dục giữa giờ đều tăm tắp, rộn rã tâm trạng vì sự tự tin của các em một ngày mới, một thời đại mới. Gặp từng nhóm học sinh trường THCS của xã tung tăng về buôn. Rừng núi ở Sơn Điền vẫn bao bọc, vững chãi như hàng chục năm trước. Lòng người, truyền thống cách mạng của đồng bào vẫn son sắt ngàn đời. Điều đó không thể lay chuyển trong từng chặng đường đất nước đi lên. Và đó là niềm tự hào của người K’Ho nơi đây.

SƠN TÙNG