Tân Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong 11 xã nông thôn mới của cả nước đang triển khai chương trình thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo quyết định của Bộ NN-PTNT hồi đầu năm 2010 vừa qua.
Mô hình trồng chuối la ba đang được nông dân xã nông thôn mới Tân Hội đặc biệt chú trọng |
KHỞI SẮC TÂN HỘI
Theo quyết định của Bộ NN-PTNT nói trên, cả nước có 11 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới được thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động nông thôn trong cả nước. Với tổng kinh phí khoảng 2,15 tỷ đồng, sẽ có khoảng 900 lao động nông thôn được đào tạo các ngành nghề sát thực với đời sống và việc làm của lao động nông thôn, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương chung của quốc gia.
Tân Hội là huyện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được trung ương chọn làm thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, trong tổng số 11 xã điểm của cả nước. Theo ông Trần Ngọc Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, Trưởng ban Quản lý xây dựng nông thôn mới Tân Hội, tính đến cuối tháng 8/2011, xã Tân Hội đã đạt được 14/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Qua 2 năm xây dựng, Tân Hội đã được đầu tư 344 tỷ đồng để phấn đấu đạt các tiêu chí về nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 6,2%, vốn lồng ghép từ các chương trình chiếm 13,7%, số còn lại là do nhân dân đóng góp và huy động ngoài nguồn vốn nhà nước. Theo số liệu của UBND xã Tân Hội, hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của Tân Hội đã đạt đến con số 96 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 20 triệu đồng so với mức bình quân chung của tỉnh Lâm Đồng và tăng 25% so với mức của riêng Tân Hội năm 2009. Về thu nhập bình quân đầu người, theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Hội đã đạt mức 21,5 triệu đồng/năm – chỉ đứng sau xã nông thôn mới Tân Thông Hội của TP HCM (22,4 triệu đồng/năm/người) và cao hơn 8,5 triệu đồng so với xã xếp thứ ba là Thuỵ Hương của Hà Nội (13 triệu đồng). Điều đáng nói khác, cũng qua hai năm xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã này đã giảm từ 5,8% năm 2008 xuống còn 3,3% hiện nay. Dự kiến vào cuối năm 2011 này, Tân Hội sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới với kết quả đạt 18/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới của quốc gia.
NÂNG CAO TAY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Theo ông Ngô Hữu Hay, Phó GĐ Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng, hiện cả tỉnh có 53 ngành nghề được các cơ sở dạy nghề tiến hành đào tạo cho người lao động địa phương. Trong những ngành nghề được các cơ sở đào tạo nghề lao động nông thôn của tỉnh tiến hành, nhóm ngành nghề nông, lâm và thuỷ sản chiếm đến 66,4%. Con số này đáp ứng được yêu cầu đặt ra của tỉnh nông nghiệp miền núi Lâm Đồng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Với riêng xã xây dựng nông thôn mới Tân Hội của Lâm Đồng được chọn làm một trong 11 xã nông thôn mới của cả nước để thực hiện thí điểm chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động nông thôn của Bộ NN- PTNT, có 3 nghề chính được lựa chọn là nghề trồng nấm, nghề trồng hoa công nghệ cao và nghề trồng dâu nuôi tằm.
Đây là 3 ngành nghề thiết yếu của xã Tân Hội hiện nay để xã này phấn đấu đến cuối năm 2011 đạt 18/19 tiêu chí xã nông thôn mới theo bộ tiêu chuẩn đề ra. Tân Hội hiện có 2.400 hộ dân. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Điều đáng nói, Tân Hội đang xây dựng 64 mô hình sản xuất nấm mèo, 16 mô hình sản xuất rau hoa công nghệ cao, nhiều mô hình trồng dâu nuôi tằm cùng với các mô hình khác như nuôi ba ba, trồng chuối la ba, nuôi chim bồ câu, chăn nuôi gà, vịt… Như vậy, trong khả năng cho phép của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn và căn cứ vào thực tế của địa phương, Tân Hội chọn 3 ngành nghề để dạy nghề cho người lao động là sản xuất nấm mèo, trồng hoa công nghệ cao và trồng dâu nuôi tằm là hoàn toàn hợp lý. Ngay sau khi có chủ trương thí điểm chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã xây dựng nông thôn mới, vào đầu tháng 12/2010, với sự trợ giúp của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, xã Tân Hội bắt tay ngay vào việc tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm cho hơn 30 lao động địa phương. Tiếp đến, đầu năm 2011 vừa qua, Tân Hội triển khai tiếp 2 lớp dạy nghề trồng hoa công nghệ cao và trồng dâu nuôi tằm với mỗi lớp khoảng 30 học viên theo học. Theo ông Trần Ngọc Tuyên, cùng với những kinh nghiệm của bản thân, những học viên là người lao động nông thôn theo học 3 lớp dạy nghề này ở xã Tân Hội đã được bổ sung thêm kiến thức cần thiết để nâng cao trình độ và khả năng nhằm đáp ứng được yêu cầu xây dựng xã nông thôn mới theo chủ trương chung.
Nếu phải nói về những tồn tại trong đào tạo nghề cho xã nông thôn mới Tân Hội, điều trước tiên cần đề cập là, theo Sở LĐ-TBXH tỉnh và Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, điều đáng quan tâm nhất là trình độ của các học viên của cả 3 lớp dạy nghề này không đồng đều nên khả năng tiếp thu kiến thức cũng không đồng đều, khiến cho việc truyền đạt của giảng viên gặp phải một số khó khăn nhất định; và như thế, hiệu quả của các lớp dạy nghề cũng không mang lại kết quả cao như mong đợi. Tiếp đến, theo phản ánh của các học viên, việc mở lớp dạy nghề lại trùng vào thời điểm thu hoạch nên việc bố trí công việc đồng áng của học viên để tham gia các lớp học cũng gặp những khó khăn nhất định. Thêm vấn đề nữa cần đề cập đó là, cùng với Tân Hội, Lâm Đồng hiện cũng đã lựa chọn 39 xã để ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn 2010 – 2015; đồng thời, Lâm Đồng cũng đã đề ra và đang thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thế nhưng, nếu không có một chương trình riêng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã được chọn xây dựng nông thôn mới hẳn là một thiếu sót của địa phương.