Thủ khoa Đại học Đà Lạt và giấc mơ thành kỹ sư điện tử

03:08, 16/08/2011

Nguyễn Phú Chân - Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh của Trường Đại học Đà Lạt năm 2011 kể về ước mơ muốn trở thành một kỹ sư điện tử.

Ẩn sau cặp kính trắng là một khuôn mặt điềm tĩnh và nụ cười hiền hoà, Nguyễn Phú Chân - Thủ khoa Đại học Đà Lạt kể về ước mơ của mình sau này muốn trở thành một kỹ sư điện tử.

Nguyễn Phú Chân cùng cha mẹ
Nguyễn Phú Chân cùng cha mẹ
Sâu trong một con hẻm trên đường Hai Bà Trưng - Đà Lạt là một căn nhà nhỏ. Trong căn nhà bình dị ấy, có 2 vợ chồng ngày ngày cặm cụi may hàng bỏ chợ nuôi con ăn học với mong ước 2 đứa con của mình học giỏi, sau này có một công việc tốt trong xã hội. Và cả 2 đứa con đã không phụ lòng cha mẹ khi liên tiếp mang về thành tích học tập khiến cả nhà nức niềm vui. Một trong 2 đứa con này là Nguyễn Phú Chân – Thủ khoa của Đại học Đà Lạt trong kỳ thi tuyển sinh đại học niên khoá 2011 - 2012 vừa qua.

Với tổng số 23,5 điểm khối A, trong đó môn Toán và Hoá đều đạt 7,25 điểm, môn Lý đạt 8,5 điểm, Nguyễn Phú Chân đứng đầu kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Đại học Đà Lạt. Sẽ không ngạc nhiên với kết quả này khi biết Phú Chân là học sinh giỏi quốc gia của Trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt. “Chân là học sinh giỏi suốt từ lớp1 đến lớp 9 ” - bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của Chân tự hào nói.

Thi đậu vào lớp chuyên Lý của trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, trong 3 năm học ở trường Chân luôn là một học sinh giỏi. Năm lớp 11, Phú Chân giành được Huy chương đồng Olympic Vật lý, là thành viên đội tuyển Vật lý tỉnh giành giải khuyến khích quốc gia môn Vật lý. Năm học 12 niên khoá 2010 - 2011 vừa rồi, Phú Chân giành giải nhất kỳ thi trên máy tính Casio tỉnh, giành giải ba quốc gia về Vật Lý. Tổng kết năm học, Chân đứng nhì khối 12 với điểm trung bình toàn năm 8,8 điểm và là 1 trong 6 học sinh của Trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt được vinh dự nhận học bổng cho 4 năm học đại học của Đại học FPT Việt Nam.

Để học giỏi, theo Phú Chân, điều cơ bản là phải biết tự học. “Cần đọc kỹ sách giáo khoa, mua thêm sách bài tập về nhà làm, mượn bài của bạn để tham khảo cách giải mới, hỏi thêm thầy cô tại lớp nếu chỗ nào chưa hiểu”. Làm bài tập nhiều, theo Phú Chân chính là cách học tốt nhất. “Giải nhiều bài tập với các dạng mới thì mình mới có kinh nghiệm nhiều trong khi đi thi”. Học nhóm cũng là một cách học tốt. “Trên lớp cháu có một nhóm bạn cùng học với nhau, cùng nhau giải bài tập, nhất là các bài khó cùng nhau  thảo luận và cả nhóm cùng giải quyết với nhau”.

Phú Chân cho biết muốn trở thành một kỹ sư điện tử để sau này có thể góp sức làm ra những sản phẩm điện tử ứng dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt dân dụng trong gia đình. “Cháu rất thích cuộc thi Robocom tổ chức hằng năm và cháu mong mình là một thành viên trong đội để có cơ hội thi tài. Cháu cũng thích máy tính, thích tạo  ra các thiết bị  cho máy, tạo các vi mạch điều khiển tinh vi”.

Bên cạnh học tập, Phú Chân hằng ngày ở nhà còn phụ giúp cha mẹ làm việc, rảnh rỗi Chân thích chơi đàn Guitar, thích đi bơi. “Cháu rất ngoan, hiền. Bạn bè, người thân, thầy cô nhiều người quý mến” - mẹ Chân cho biết. 

Cũng nói thêm là chị của Phú Chân cũng là học sinh của Trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, từng được giải khuyến khích quốc gia môn Văn, đã tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Xã hội Nhân văn TP HCM và hiện nay đang làm việc tại TP HCM.

“Gia đình rất vui khi thấy con cái được như vậy” - ông Nguyễn Thanh Sơn, cha của Phú Chân cho biết. “Rất vinh dự khi thủ khoa của Đại học Đà Lạt là một người Đà Lạt. Gia đình chúng tôi lâu nay dù khó khăn, nhưng khổ bao nhiêu cũng chấp nhận, miễn sao tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu ăn học sau này thành người, nuôi được bản thân, giúp ích cho gia đình, cho xã hội”.

VIẾT TRỌNG