Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh qua các năm đã được kiềm chế; số vụ, số người chết và bị thương có chiều hướng giảm dần.
Một tiết mục tìm hiểu giao thông của học sinh tiểu học |
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị, qua quá trình thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng hoàn thiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các chính sách phát triển phương tiện đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe các hạng… Đặc biệt, ngay từ khi mới triển khai Chỉ thị 22, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xác định đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong giao thông, tạo thói quen tuân thủ các quy định của pháp luật từ người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, bằng nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục được phát động rộng rãi trong toàn xã hội, đảm bảo 100% cán bộ, công chức các cấp, ngành; đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể, hội đều được học tập, nghiên cứu pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Nhận thức của đa số người dân được nâng cao góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, tiến tới giảm dần tai nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 2.112 vụ tai nạn, làm chết 1.909 người và bị thương 1.483 người. Từ biểu đồ so sánh số liệu qua các năm cho thấy, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương các năm đã được kiềm chế, có chiều hướng giảm dần. Đơn cử, nếu như năm 2002 xẩy ra 280 vụ tai nạn, làm 213 người chết và 248 người bị thương thì đến năm 2010 vừa qua, đã giảm xuống còn 185 vụ tai nạn làm chết 185 người và 107 người bị thương. Qua phân tích các vụ tai nạn, thời gian xẩy ra tai nạn tập trung ở khung giờ từ 18 giờ đến 24 giờ, chiếm tỷ lệ 38%/tổng số vụ; địa bàn tai nạn giao thông xẩy ra trên quốc lộ chiếm 43%; khu vực nội thành, nội thị chiếm 24% và trên các tuyến đường liên thôn, liên xã chiếm 33%; phương tiện gây tai nạn ô tô chiếm tỷ lệ 25%; xe mô tô, gắn máy chiếm 70% với các lỗi chủ yếu là vi phạm tốc độ, vi phạm phía đi và vượt, tránh xe sai quy định.
Để đạt được kết quả này, theo đánh giá của UBND tỉnh thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đã được thực hiện tốt với nhiều sáng kiến, giải pháp hữu hiệu; nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cao năng lực vận tải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an toàn giao thông; công tác tuần tra kiểm soát được tăng cường, việc đăng kiểm phương tiện, quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 22 có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên; cấp ủy, chính quyền ở một số nơi, một số cơ quan đơn vị vẫn xem công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải và công an; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, thiếu tự giác, vẫn còn khá phổ biến các hành vi cố tình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông… Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Huỳnh Đức Hòa cho rằng: Nguồn cơn của tai nạn giao thông từ ý thức mà ra, không chỉ ý thức chấp hành khi tham gia giao thông mà kể cả ý thức giải quyết các điểm đen, loại bỏ phương tiện quá hạn sử dụng, kinh doanh hành khách, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe…đều là những yếu tố gián tiếp góp phần gây tai nạn. Do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị 22 và coi dây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cải thiện điều kiện hạ tầng và công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát… phải được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu giảm 10% số vụ, số người chết mỗi năm.