TỪ LIVERPOOL nghĩ về an sinh xã hội

02:08, 10/08/2011

Có thể nói Vương quốc Anh là một xã hội có nền văn minh lâu đời, tính dân chủ cao, xã hội tôn trọng con người, tôn trọng tự do cá nhân. Nhưng hình như nền văn minh đó đang bắt đầu già, thiếu năng động trong thời đại mới!

Làm tượng sống Charlot trên đường phố
Làm tượng sống Charlot trên đường phố
Tôi đã gặp Thảo ở Seoul (Hàn Quốc), lúc ấy cô đang hoàn tất luận văn tiến sĩ về quản lý du lịch. Lần này tình cờ một cách thú vị tôi lại gặp cả 2 vợ chồng Thảo và Thức ở Liveerpool. Thức cũng đã lấy bằng tiến sĩ về xây dựng ở Hàn Quốc và nhận được một hợp đồng 3.000 bảng Anh tháng (khoảng 100 triệu đồng VN) ở Đại học Liverpool. Thức nói với tôi đây vừa là việc làm và cũng vừa là đề tài sau tiến sĩ của anh, một đề tài nghe lạ mà khá hấp dẫn. Đó là nghiên cứu kết cấu hạn chế hậu quả đánh bom khủng bố.
 
Thức gặp Thảo, họ yêu nhau rồi cưới nhau trong những năm học tập ở xứ “Kim chi”, ngày sang đây Thảo mang theo trong bụng bé Sunny bây giờ. Thảo kể rằng lần đầu tiên đến bệnh viện khám thai đã được bác sĩ đón tiếp hết sức chu đáo, hướng dẫn tận tình và cử ngay một nhân viên thường xuyên theo dõi hàng tuần trong những thời gian sau đó, đồng thời yêu cầu người mẹ tương lai vào lớp học những kiến thức cần thiết về ăn uống thuốc men, giữ gìn sức khỏe trong quá trình mang thai và dạy những kiến thức làm mẹ, chăm sóc bé sau này. Chế độ của 2 mẹ con từ đây cho đến khi bé đủ 1 tuổi là khám bệnh, mua thuốc và chữa bệnh cũng như sinh đẻ không mất tiền. Sau khi bé Sunny ra đời 3 ngày ở bệnh viện, bác sĩ khám cả mẹ lẫn con đều ổn thì buổi tối ngày thứ 4 cho xuất viện, đúng 9 giờ sáng hôm sau nhân viên chăm sóc đến nhà hỏi về tình trạng của mẹ con đêm qua ăn ngủ thế nào, có gì bất thường, bé có khóc nhiều không? Và lấy máy đo nhiệt độ trong phòng, nhiệt độ quanh nơi bé nằm, khám cho mẹ con lần nữa rồi đưa ra mấy yêu cầu phải thực hiện như: Không được sưởi quá nóng như thế không tốt cho hô hấp của bé, hãy để nhiệt độ mát hơn, họ hướng dẫn thức ăn và thuốc uống… Thảo kể mấy ngày ở bệnh viện bé Sunny khóc đêm nhiều, nhân viên chăm sóc bảo đưa bé cho họ chăm sóc còn mẹ cần phải ngủ cho đủ giấc để đảm bảo sức khỏe. Thời gian sau này, cứ một tuần nhân viên chăm sóc đến một lần giúp đỡ mẹ con và xem xét nếu cần họ đưa đến bác sĩ, ngoài ra bất cứ khi nào cần thì gọi điện thoại yêu cầu, họ sẽ có mặt ngay.
   
Các em sinh viên nói những người nước ngoài đến Anh từ 6 tháng trở lên, trong đó có sinh viên VN sang du học, đều được khám bệnh và chữa bệnh không mất tiền, nhưng nếu không nhập viện mà ở nhà mua thuốc thì phải mất tiền. Cứ mỗi toa thuốc do bác sĩ kê bất kể ít, nhiều, thuốc đắt hay rẻ đều trả 7 bảng Anh như nhau. Công dân có quốc tịch Anh thì chữa bệnh và học tập không mất tiền từ sinh ra cho đến 18 tuổi, sau đó về y tế cũng chỉ trả tiền thuốc nếu tự đi mua theo toa bác sĩ, riêng về khám và chữa răng phải trả tiền với giá rất cao.
 
Về việc học hành, nhà nước cho vay để học đại học, sau khi ra trường có việc làm sẽ trả dần, nếu chưa có việc làm chưa phải trả và nhà nước còn trợ cấp một số tiền đủ ăn để tìm việc làm. Chị Hoa quê ở Rạch Giá, từ khi sang Anh đã sinh 5 người con và được hưởng đầy đủ chính sách đối với công dân Anh. Hiện nay chị có một cửa hàng ăn mang tên “Việt food”, chị nói đất nước họ giàu nên chính sách an sinh xã hội quá tốt. Nhưng cũng có mặt không tốt. Đó là một số người lười biếng sẽ lợi dụng chính sách này để chỉ hưởng trợ cấp xã hội như trường hợp của một số thanh niên con của những người Việt là bạn của chị đã tốt nghiệp đại học nhưng nhiều năm rồi không chịu đi làm việc mà vẫn hưởng tiền trợ cấp ăn chơi lêu lổng.
  
Tôi gặp bà Lệ Chi quê ở Huế, chồng bà là người Anh và bà cũng đã nhập quốc tịch từ lâu, năm nay bà 70 tuổi đang sống ở Luân Đôn. Khi ra đường bà cầm theo tấm thẻ từ có dán ảnh của bà, mỗi lần lên xe buýt hay xuống tàu điện ngầm bà đều dùng thẻ này, tôi hỏi bà đã mua thẻ tháng phải không? Bà nói không phải, mà tất cả mọi người 60 tuổi trở lên đều được khám chữa bệnh, đi tàu xe không mất tiền. Nhà ở và xe ôtô thì được mua trả góp trong nhiều năm. Người ta tính ra thu nhập trung bình của người lao động mỗi tháng từ 2.000 đến 3.000 bảng, đóng thuế khoảng 25%, (người có thu nhập càng lớn thì tỉ lệ đóng thuế càng cao) chi tiêu khoảng từ 50% đến 70% thu nhập là có cuộc sống rất cao, còn phần tích lũy không đáng kể, nhưng thực ra phần tích lũy đối với họ không quan trọng vì không phải lo cho lúc ốm đau, bệnh tật, già cả, không phải lo để lại cho con cái… bởi đã có chính sách an sinh xã hội lo cho những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Thu nhập họ làm ra trừ thuế còn lại là để ăn, mặc, mua sắm và đi du lịch, nói chung là nhằm mục đích hưởng thụ. Ngoài ra ở Anh cũng có bảo hiểm y tế và nhiều bệnh viện tư dành cho những người có thu nhập rất cao và của các doanh nghiệp, họ đóng bảo hiểm để khi cần thì phải được đáp ứng nhanh và theo nhu cầu của người đóng bảo hiểm. Đó là những thông tin thu nhặt được qua cuộc sống thực tế của những con người cụ thể, có thể độ chính xác chưa cao, nhưng cũng nói lên phần nào chính sách an sinh của một đất nước phát triển.
 
Tàu du lịch trên sông Thames
Tàu du lịch trên sông Thames

Có thể nói Vương quốc Anh là một xã hội có nền văn minh lâu đời, tính dân chủ cao, xã hội tôn trọng con người, tôn trọng tự do cá nhân. Nhưng hình như nền văn minh đó đang bắt đầu già, thiếu năng động trong thời đại mới! Trong đó các chính sách xã hội cũng góp một phần làm nên sự ỷ lại, thiếu năng động so với một số nước đang phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tính kỷ luật, trật tự ngoài xã hội ở các nước châu Á này cao hơn. Việc chấp hành gìn giữ vệ sinh đường phố và nơi công cộng  nghiêm túc hơn. Sự siêng năng, sẵn sàng chấp nhận việc làm khó nhọc, cường độ lao động và cả sự năng động trong các hoạt động kinh tế cũng cao hơn và tốc độ phát triển hàng năm khi so sánh cũng nói lên tính trẻ trung có sức bật của nền kinh tế các nước châu Á đang lên so với Anh và có thể với một số nước châu Âu khác.

TRỌNG NGUYÊN