Tự thân trường phải vận động để vượt qua khó khăn

02:08, 23/08/2011

Trong 2 năm gần đây, Đại học Yersin mỗi năm chỉ tuyển được 400/1.200 sinh viên theo chỉ tiêu Bộ GD-ĐT cho phép và theo Ban Giám hiệu nhà trường, năm nay vẫn là một mùa tuyển sinh đầy khó khăn.

Trong 2 năm gần đây, Đại học Yersin mỗi năm chỉ tuyển được 400/1.200 sinh viên theo chỉ tiêu Bộ GD-ĐT cho phép và theo Ban Giám hiệu nhà trường, năm nay vẫn là một mùa tuyển sinh đầy khó khăn. Báo Lâm Đồng đã có cuộc gặp với PGS-TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin để tìm hiểu về cách tháo gỡ của nhà trường.

PV: Thưa Phó Giáo sư, rất nhiều trường ĐH dân lập hiện nay đang rất khó khăn trong đầu vào. Đại học Yersin năm nay dự kiến có tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu Bộ cho phép? 

PGS – TS Phạm Bá Phong
PGS – TS Phạm Bá Phong
PGS-TS Phạm Bá Phong: Nằm ở Tây Nguyên, Đại học Yersin cũng có những khó khăn nhất định so với các trường tư thục dân lập ở miền xuôi thuận lợi hơn. Trong 2 năm trở lại đây, năm 2009 và 2010, chúng tôi chỉ tuyển được khoảng trên 400 sinh viên trong tổng số 1.200 chỉ tiêu Bộ cho phép. Không tuyển đủ chỉ tiêu, nên năm nay Bộ có điều chỉnh chỉ tiêu trường xuống 1.000, chúng tôi đang cố gắng hết mức, nhưng cũng chắc rất khó để đạt đủ chỉ tiêu này.

Theo Bộ thông báo, số thí sinh trúng tuyển theo điểm sàn trong cả nước trên 400 nghìn, đủ cho tất cả các trường đại học trong nước. Tuy nhiên, ở các trường ĐH phía bắc có tỷ lệ đỗ cao hơn, các trường phía nam xa xôi khó có thể thu hút thí sinh vào đây học. Cùng đó, trường chúng tôi nằm trên vùng cao, dù  học sinh vùng cao có điểm ưu tiên theo qui định ( khu vực 1 cộng thêm 3 điểm ưu tiên, khu vực 2 cộng thêm 1, vùng nông thôn cộng thêm 2, khu vực 3 không điểm ưu tiên), nhưng với điểm ưu tiên này, khi gia đình các em có điều kiện vẫn có thể chọn học ở các trường ĐH dưới vùng xuôi, các vùng trọng điểm kinh tế như TP HCM chẳng hạn. Chính vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ vẫn rất khó khăn.

PV: Trong tình hình tuyển sinh đầu vào không đủ chỉ tiêu giao như thế, nhà trường 2 năm vừa qua có phải điều chỉnh lại các hoạt động của mình?
 
PGS-TS Phạm Bá Phong: Cho đến nay, chúng tôi đã đầu tư trên 50 tỷ đồng cho cơ sở vật chất của trường, đủ chỗ học cho 6-7 nghìn sinh viên một ca. Trường hiện có 8 khoa, 187 cán bộ, giảng viên, công nhân viên. Đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, nâng cao về chất lượng, chẳng hạn trường đang có 6 giảng viên khoa Điều dưỡng đang theo học cao học tại Mỹ và đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho khoa này khi về nước.
   
Thực ra, những năm từ 2008 về trước, khi điểm ưu tiên còn cao, chúng tôi hằng năm đã tuyển trên 1.000 sinh viên. Chỉ khi Bộ siết lại điểm ưu tiên thì các trường ĐH tư thục dân lập mới có khó khăn, trong đó có trường chúng tôi. Trong 2 năm nay, khi tuyển sinh khó khăn, trường đã phải điều chỉnh lại bộ máy. Trong 8 khoa của trường, có 2 khoa tuyển sinh hằng năm khá tốt là khoa Kiến trúc và Điều dưỡng, 2 khoa khác vẫn có nhiều sinh viên theo học là Quản trị kinh doanh và Du lịch. Các khoa còn lại có khó khăn về tuyển sinh là Tin học, Khoa học Môi trường, Công nghệ Sinh học...
   
Trường chúng tôi nằm trên Tây Nguyên, nơi cuộc sống người dân còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho vùng là rất quan trọng nên dù khó khăn chúng tôi cũng phải cố xoay sở. Cũng nói thêm, sinh viên khu vực Tây Nguyên hiện đang theo học tại trường hiện nay chiếm khoảng 75%.

PV: Việc ít sinh viên vào học có phải là do trường chưa chú trọng đến công tác quảng bá khiến nhiều người chưa biết đến trường?

PGS-TS Phạm Bá Phong: Hằng năm chúng tôi vẫn làm công tác quảng bá và rất chú trọng đến nó. Chúng tôi cùng tham gia đoàn công tác của Báo Thanh Niên để giới thiệu về trường. Chúng tôi có đoàn riêng đến các trường học trong vùng Tây Nguyên và nhiều tỉnh khác, phát tờ rơi, giới thiệu trường với học sinh. Chúng tôi có trang mạng giới thiệu về trường.
 
Thật ra, trong số sinh viên nhập học hằng năm, bên cạnh các học sinh trong tỉnh và ở các tỉnh Tây Nguyên, trường chúng tôi còn có không ít các em đến từ các tỉnh phía bắc. Thương hiệu trường theo tôi biết hiện nay đã khá phổ biến trong nước. Tuy nhiên, dù phổ biến thì ĐH Yersin vẫn nằm trong nhóm các trường “3 Tây” còn rất khó khăn là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

PV: Trong tình hình khó khăn như vậy Phó Giáo sư có thể cho biết nhà trường trong 2 năm nay đã xoay sở như thế nào? 

PGS-TS Phạm Bá Phong: Vâng, tự thân trường phải vận động để vượt qua khó khăn. Trước nhất, chúng tôi đang mở rộng liên kết. Hiện nay trường có liên kết đào tạo cả chính qui và hệ tại chức với các trường ĐH khác trong nước như ĐH Qui Nhơn, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Ngân hàng TP HCM… Thứ nhì, chúng tôi mở rộng việc đào tạo nghề thông qua việc liên kết với Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng, được Sở cấp phép cho việc đào tạo nghề, trường được cấp phôi chứng chỉ nghề. Từ năm 2004 đến nay, chúng tôi đã cấp trên 11 nghìn chứng chỉ nghề, chủ yếu là các chứng chỉ về Tin học, Ngoại ngữ, Kế toán - Tài chính, Du lịch - Nhà hàng Khách sạn. Trường lâu nay được hỗ trợ theo chương trình đào tạo nghề nông thôn, có các trung tâm dạy nghề cho các huyện trong tỉnh.

Cùng đó, ĐH Yersin hiện nay còn có liên kết một số quốc gia trong việc đào tạo. Chẳng hạn như Hội Nhật - Việt hiện đang giúp chúng tôi đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho sinh viên của trường trong các khoa Kiến trúc, Điều dưỡng và Ngoại ngữ. Một số sinh viên học tiếng Nhật giỏi được tạo điều kiện sang Nhật nâng cao trình độ. Vừa rồi có 2 sinh viên khoa Kiến trúc sang thực tập tại Nhật và sắp đến sẽ có thêm 8 sinh viên của trường chuẩn bị sang quốc gia này theo chương trình hợp tác trên.

PV: Xin cảm ơn Hiệu trưởng!

Viết Trọng (thực hiện)