Văn hóa giao thông

04:08, 31/08/2011

Văn hóa là một lĩnh vực tinh thần, nó thể hiện ra cử chỉ, hành động của một con người. Vậy mà trong tham gia giao thông, một bộ phận người dân chúng ta vẫn còn thiếu nét văn hóa đó.

Mùa thu về, rải ánh vàng tuyệt đẹp trên những nẻo đường. Mùa tựu trường, học sinh đến trường nô nức. Tháng 9 hàng năm được gọi là tháng An toàn giao thông (ATGT), để giảm bớt nguy cơ xảy ra tai nạn. Vậy, chúng ta nghĩ gì về văn hóa giao thông?

Văn hóa là một lĩnh vực tinh thần, nó thể hiện ra cử chỉ, hành động của một con người. Vậy mà trong tham gia giao thông, một bộ phận người dân chúng ta vẫn còn thiếu nét văn hóa đó. Hàng ngày xem chương trình thời sự về ATGT, hoặc chứng kiến tai nạn xảy ra trên đường, nhiều cảnh đau lòng cướp đi sinh mạng của nhiều con người. Thật đáng thương tâm, nhưng cũng đầy bức xúc. Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra là, tại sao người tham gia giao thông thời nay lại thiếu ý thức đến như vậy? Khi trong nhiều phương tiện thông tin đại chúng, ATGT là vấn nạn luôn được nhắc nhở, luôn được cảnh báo!
 
Xe cộ chen chúc nhau trên đường. Ảnh Hoàng Đại Huynh
Xe cộ chen chúc nhau trên đường. Ảnh Hoàng Đại Huynh

Mùa thu và ngày tựu trường là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Những tà áo trắng tung bay với xe đạp nữ sinh xưa, đã thay bằng xe đạp điện, xe máy có phân khối lớn. Phụ huynh, HS-SV thời nay ai cũng học, cũng biết luật giao thông, nhưng nhìn cảnh phụ huynh chở con đến trường không đội mũ bảo hiểm; các em nữ sinh chạy xe đạp điện giăng hàng ngang, đùa giỡn với các bạn nam. Và tai nạn xảy ra. Thử hỏi ai không xót xa ?

Vậy văn hóa giao thông là gì? Tuy là đề tài cần có các cơ quan chức năng báo cáo, nhưng ý nghĩa của nó là cách ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông. Người có văn hóa giao thông, là người tham gia giao thông có trách nhiệm vì sự bình an cho chính mình và cho người khác. Muốn được như vậy, trước tiên phải dạy cho các cháu biết luật giao thông và biết đội mũ bảo hiểm từ lớp mẫu giáo. Ý thức này sẽ theo các cháu suốt đời. Từ sự giữ gìn an toàn cho bản thân, cho đến cách giữ gìn an toàn cho người khác cũng là một nét đẹp văn hóa cần đáng biểu dương.

Theo tôi, nên để ATGT là chủ đề thảo luận của mọi tầng lớp, nhất là HS-SV, để việc tự giác chấp hành luật giao thông trở thành nếp văn hóa mới trong thời đại chúng ta. Kể cả giao thông đường thủy, đường sắt và người đi bộ, cũng phải có trách nhiệm trong việc đi trái luật giao thông.

Thật buồn khi hàng ngày, từ thành thị đến nông thôn, cảnh thiếu văn hóa trong giao thông luôn xảy ra. Ở thành phố thì cảnh đua xe, đánh võng luôn là một vấn nạn. Cảnh vượt đèn đỏ, đỗ xe đón khách không đúng nơi quy định; cảnh phụ xe chèn ép, chèo kéo hành khách. Và hành khách chỉ biết kêu trời khi giao sinh mạng cho các ma men vv… Đặc biệt, mới đây lại xảy ra cảnh chống đối người thi hành công vụ, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Còn ở nông thôn thì có câu cửa miệng “ra đường sợ nhất công nông”! Người lái xe không bằng lái, nghênh ngang trên đường quê, gây tai nạn xa đồn công an, xa cảnh sát. Người say rượu đứng giơ tay giữa đường. Người đi xe trước khạc nhổ nước bọt vào mặt người đi sau, cảnh trâu bò chạy tán loạn trên đường nhựa… Tất cả đều gây ra những tai nạn khôn lường, người bị nạn bức xúc đành ngậm đắng nuốt cay, không ai giải quyết, không ai bênh vực, công ty bảo hiểm không có chứng từ để bồi thường! Vì thế, kẻ thiếu văn hóa ngang nhiên lộng hành, gây không biết bao đau thương, mất mát cho người dân. Đó là chưa nói chính họ cũng gánh lấy hậu quả nặng nề.

Bởi vậy, vấn đề ATGT của chúng ta đang cần lắm một nét văn hóa giao thông. Bởi VHGT là giải pháp sống còn của một xã hội văn minh và phát triển. Có cần nói gì nữa không, khi hàng ngày sự thiếu hiểu biết về luật giao thông, đã cướp đi sinh mạng, tài sản, cuộc sống, tình yêu của tất cả chúng ta. Trong khi đó, chúng ta có thể kiềm chế và sửa đổi chúng theo đúng pháp luật hiện hành.
NGUYỄN THÁNH NGÃ