Việc làm cho thanh niên, đâu là chìa khóa mở

01:08, 28/08/2011

Định hướng cho thanh niên có việc làm khi đến độ tuổi thực sự là một bài toán khó nếu như các cơ quan hữu quan không có những giải pháp, kế hoạch và sự đầu tư hợp lý để tạo nên những nút mở tích cực.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh, hàng năm thanh niên đến độ tuổi lao động cộng với số hiện có và số người thất nghiệp lên đến trên 50.000 ngàn người (chưa tính đến số thanh niên thuộc đối tượng dân di cư tự do hàng năm nhập cư vào Lâm  Đồng). Đây thực sự là con số đáng báo động bởi nó sẽ tăng theo cấp số cộng hàng năm nếu như vấn đề việc làm không được quan tâm và giải quyết đúng hướng. Tạo cơ hội cho thanh niên (nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS) và định hướng cho thanh niên có việc làm khi đến độ tuổi thực sự là một bài toán khó nếu như các cơ quan hữu quan không có những giải pháp, kế hoạch và sự đầu tư hợp lý để tạo nên những nút mở tích cực.
 
Giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, trong thời gian qua đã triển khai kế hoạch liên tịch với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên từ năm 2009 đến năm 2015. 100% huyện, thành đoàn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai tổ chức mở các buổi tư vấn về xuất khẩu lao động và ngày hội việc làm cho thanh niên, thu hút hơn 10.000 ĐVTN tham gia, trong thời gian vừa qua, toàn tỉnh đã có trên 10.000 HSSV được tư vấn nghề nghiệp, tư vấn, tiếp sức mùa thi; có gần 1.300 thanh niên được giải quyết việc làm và trên 300 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc, Nga, Nhật, Đài Loan, Trung Đông, Malaisia… Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đoàn cũng đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập huấn nghiệp vụ về công tác vay và sử dụng vốn vay; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp; khuyến khích thanh niên tự giúp nhau lập thân lập nghiệp, giải quyết nhu cầu bức xúc chính đáng của thanh niên.

Nếu đem những con số về giải quyết việc làm, đào tạo nghề hàng năm trên so sánh với số thanh niên chưa có việc làm hàng năm là trên 50 ngàn người, quả thật công tác giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều điều đáng phải lo ngại. Có thể khẳng định rằng, trong số lao động thiếu làm việc hàng năm kể trên, đa số khi được tuyển dụng, hay đã được đào tạo nghề rồi mới được tuyển dụng, tất cả đều nằm trong diện lao động phổ thông. Họ không được trang bị vốn sống và “hành trang” nghề nghiệp cơ bản nhất để đương đầu với môi trường lao động chuyên nghiệp, từ đó thanh niên nông thôn rất khó có điều kiện vươn lên hoặc phải từ bỏ công việc giữa chừng, điều này đã được chứng minh bằng thực tế. Vấn đề quan trọng nữa đó là, các lớp đào tạo nghề hay các hoạt động như: "Tháng việc làm", "Ngày hội việc làm" đều mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, mà chưa chú trọng vào vấn đề chiều sâu, nội lực của lao động. Điều này khiến những lao động phổ thông không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc thực sự bởi lâu nay họ chỉ quen với việc nhà, không chú trọng đến thời gian hay năng suất lao động. Và, một vấn đề cũng khá nhạy cảm nữa trong tình hình hiện nay, đó là khi giải quyết việc làm cho thanh niên, chúng ta thường chỉ mong muốn giải quyết về số lượng để đạt con số mà không xem xét kỹ vấn đề. Giải quyết việc làm cho thanh niên thông qua con đường xuất khẩu lao động là một ví dụ. Không thể xem việc ồ ạt đưa thanh niên đến các nước phát triển làm những công việc như: Phụ hồ, giúp việc nhà, hay những công việc nặng khác là một thành công mà quên đi việc đào tạo nghề cho thanh niên và tìm hướng giải quyết lao động tại chỗ, cũng như tại các vùng lân cận. Lao động Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, trong nhiều năm qua đã không ít người thành công khi sang các nước lao động nhưng cũng không phải ít trường hợp đã phải trở về trắng tay và tạo  “tiếng xấu” cho các đối tác bởi sự thiếu chuyên nghiệp và chưa được trang bị kỹ về văn hóa lao động cũng như sự chểnh mảng trong môi trường lao động công nghiệp. Đào tạo nghề và tìm hướng giải quyết cho lao động tại chỗ không chỉ là chủ trương đúng mà đồng thời còn tạo được sự tập trung nguồn lực lao động cho địa phương nói chung và công tác đoàn kết tập hợp thanh niên nói riêng đối với hoạt động của Đoàn - Thanh niên.
   
Hiện nay, các nguồn lực và biện pháp hỗ trợ đối với việc giải quyết việc làm cho thanh niên chỉ thông qua các “nguồn” sau: Giới thiệu việc làm cho thanh niên thông qua việc tuyển người của các công ty đến sản xuất kinh doanh tại địa phương và các vùng phát triển về công nghiệp, thông qua Ngân hàng Chính sách để cho thanh niên vay vốn sản xuất, hướng dẫn và cho thanh niên vay vốn để đi XKLĐ, tuy nhiên những người được tuyển dụng vẫn chỉ ở con số rất thấp so với lượng thanh niên thất nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh. Ngay từ lúc này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của những cơ quan liên quan, cần có sự tìm hiểu sâu rộng đến từng địa phương, nắm bắt rõ tâm tư nguyện vọng của các đối tượng thanh niên, từ đó đưa ra những kế hoạch, biện pháp cụ thể để hướng cho thanh niên có được sự lựa chọn phù hợp với mình.
   
Tuấn Linh