Chương trình “Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” hy vọng dỡ bỏ được rào cản ấy, khích lệ người phụ nữ mang thai dũng cảm đến các điểm tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Khi phát hiện bị nhiễm HIV, người mẹ được điều trị dự phòng giúp sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Các bà mẹ quan tâm chăm sóc y tế để cho con khỏe mạnh. |
BS Đỗ Công Kim – Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng cho biết: Các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi thực hiện quy trình theo đúng Luật Phòng chống HIV, đảm bảo nguyên tắc bí mật, tự nguyện. Chương trình này nhấn mạnh tính tự nguyện của người phụ nữ. Tự nguyện đến các điểm tư vấn, xét nghiệm để tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm. Toàn tỉnh có 4 điểm cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại các khoa sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BVĐK II (Bảo Lộc), Trung tâm y tế Đức Trọng, Trung tâm Y tế Đạ Huoai. Các khoa sản của 4 bệnh viện này có chức năng dự trữ thuốc ARV đầy đủ cho các huyện xung quanh, cung cấp các dịch vụ toàn diện: tư vấn - xét nghiệm - điều trị dự phòng - cung cấp sữa cho trẻ - triển khai xét nghiệm PCR nhằm phát hiện sớm HIV ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi.
Khi người mẹ có thai xét nghiệm dương tính với HIV thì được hỗ trợ điều trị ARV (thuốc đặc hiệu kháng vi rút HIV) từ tuần thứ 28 của thai kỳ cho đến lúc sinh con. Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ này được cấp sữa thay thế sữa mẹ liên tục trong 6 tháng đầu đời và xét nghiệm PCR cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Theo khuyến cáo khoa học, khi đứa trẻ sinh ra càng can thiệp xét nghiệm PCR sớm thì hiệu quả của việc điều trị dự phòng lây nhiễm càng cao, hạn chế được số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ. Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm số trẻ bị nhiễm HIV xuống dưới 5%, tức là 100 bà mẹ có thai nhiễm HIV được can thiệp dự phòng lây nhiễm sẽ sinh ra 95 đứa trẻ không bị nhiễm HIV.
Thực tế qua 3 năm triển khai chương trình “Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” đã góp phần nâng cao nhận thức của đối tượng phụ nữ, phụ nữ mang thai và cả cộng đồng. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Số lượng phụ nữ xét nghiệm HIV tự nguyện ngày càng đông. Chiến dịch triển khai trong vòng 1 tháng (tháng 6 năm 2010) có 3.190 phụ nữ mang thai được tư vấn trước khi xét nghiệm HIV, trong đó 1.799 trường hợp xét nghiệm HIV. Có 1.090 trường hợp quay lại nhận kết quả. Chỉ có 1 trường hợp được phát hiện nhiễm HIV và được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Tháng chiến dịch năm 2011 vừa kết thúc, có 2.576 phụ nữ mang thai được tư vấn và tất cả đều tự nguyện xét nghiệm HIV. Có 1.272 trường hợp quay lại nhận kết quả. Trong chiến dịch có 4 phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV lúc chuyển dạ và áp dụng điều trị ARV, số trẻ em sinh ra đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hỗ trợ sữa thay thế.
Theo BS Kim, tháng chiến dịch nhằm đẩy mạnh cao điểm các hoạt động truyền thông thu hút sự quan tâm của cộng đồng và đối tượng phụ nữ mang thai, còn đều đặn suốt cả năm chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn liên tục hoạt động. Thống kê trong 6 tháng qua, đã có 5.282 phụ nữ có thai được tư vấn trước khi xét nghiệm HIV, trong đó 4.708 trường hợp được xét nghiệm tự nguyện, 3.565 chị quay lại nhận kết quả, có 10 phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV. Có 20 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV vào lúc chuyển dạ và 20 trẻ em được sinh ra từ các bà mẹ này được điều trị dự phòng lây nhiễm và hỗ trợ sữa ăn thay thế sữa mẹ trong vòng 6 tháng.
Toàn tỉnh đã có 1.772 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 129 người mới phát hiện nhiễm trong vòng 6 tháng đầu năm 2011 ở tất cả 12 huyện, thành. Số phụ nữ có thai nhiễm HIV đều ở khắp các địa phương, Di Linh: 5 ca, Đơn Dương 3 ca, rải rác 1-2 ca các huyện còn lại, riêng Đạ Tẻh chưa phát hiện ca nào. Trở ngại của chương trình là vẫn còn tình trạng thiếu hiểu biết, kỳ thị khiến người phụ nữ có thai đã tự nguyện đến xét nghiệm nhưng không quay lại nhận kết quả, mất dấu. Rất ít số phụ nữ có thai được xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV sớm để can thiệp dự phòng ở tuần thứ 28 của thai kỳ, phần lớn được phát hiện nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ. Cần tiếp tục truyền thông khẳng định tính hiệu quả và việc làm ý nghĩa của hệ thống dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hơn hết thảy, không gì ý nghĩa hơn bằng sự tự nguyện của các bà mẹ.