Bánh trung thu dành cho ai?

03:09, 07/09/2011

Có một thực tế là giá các loại bánh Trung thu năm nay tăng cao quá, nếu so với mức thu nhập của mỗi người dân.

Bánh Trung Thu Long Đình An Quý & Rượu Gold Label Reserve có giá 3.198 ngàn đồng
Bánh Trung Thu Long Đình An Quý & Rượu Gold Label Reserve có giá 3.198 ngàn đồng. Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Từ cách đây gần một tháng, đã xuất hiện khá nhiều điểm bán bánh Trung thu của các hãng bánh nổi tiếng lâu nay như Đồng Khánh, Kinh Đô, Bibica… Tuy nhiên, bánh thì nhiều, với nhiều chủng loại khác nhau, nhưng người mua thì rất ít. Nhiều điểm bán bánh, dù được bố trí ở các địa điểm thuận tiện và được trang trí khá bắt mắt nhưng vẫn có rất ít người đến mua, thậm chí, có điểm bán bánh còn cho biết có ngày chẳng bán được hộp bánh nào. Nhiều người bán vẫn hy vọng rằng, tình hình này sẽ được cải thiện vào những ngày sắp đến.

Tuy nhiên, có một thực tế là giá các loại bánh Trung thu năm nay tăng cao quá, nếu so với mức thu nhập của mỗi người dân. Để có một hộp bánh 4 chiếc giản đơn cho con trẻ, người tiêu dùng cũng phải bỏ ra gần 150.000 đồng. Và với mức giá này, không phải ai cũng có thể dễ dàng có được.

Dạo quanh các điểm bán bánh, người tiêu dùng quả thật rất khó lựa chọn cho mình một hộp bánh thích hợp, bởi sự phong phú, đa dạng của các hãng bánh. Thậm chí, như hãng bánh Bibica đã đưa ra loại bánh với giá rất cao, như hộp bánh có tên Đế Nguyệt có giá trị lên đến 1.200.000 đồng, còn bánh Thưởng Nguyệt cũng của hãng này có giá 750.000 đồng… Rõ ràng, với mức giá này, thì đa số người tiêu dùng chỉ có thể xem là chính.

Quả thật là đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm đến mặt hàng này. Bên cạnh việc kiểm tra chất lượng các nguyên liệu làm bánh, thì cũng rất cần xem xét giá cả một chiếc bánh có hợp lý không. Vì mỗi năm, bánh trung thu chỉ xuất hiện một lần vào dịp Tết Trung thu, mà ai cũng hiểu rằng, đó là cái tết dành cho trẻ em. Một hộp bánh trung bình có trọng lượng 800 gam, thì nguyên liệu chủ yếu vẫn chỉ là bột nếp, đường, trứng muối. Phần nhân bánh còn có thêm một số nguyên liệu chính như đậu xanh, hạt dưa, mè, mứt bí, lạp xưởng, cũng có lúc nó được pha trộn với một số loại “sơn hào hải vị”. Tuy nhiên, tỷ lệ “sơn hào hải vị” là bao nhiêu phần trăm thì chẳng hề có nhà sản xuất nào công bố. Đó là chưa nói tới, những năm gần đây, các hãng bánh đã cho ra lò nhiều loại bánh có nhân mới, lạ, khác hẳn với loại bánh Trung thu truyền thống chỉ có nhân đậu xanh, hạt sen, thì nay nó được sáng tạo bằng cách pha trộn với hạt hạnh nhân, trà xanh, nhãn nhục, gấc, nha đam, tảo Spirulina, táo đỏ… thật là muôn hình vạn trạng.

Và rồi để phục vụ cho các thượng đế lớn tuổi (là chính), nhà sản xuất đã làm ra các loại bánh Trung thu giảm độ ngọt từ đường, cũng như giảm béo từ mỡ. Thậm chí có loại bánh, họ còn sử dụng loại đường ăn kiêng như Isomalt, Aspartam, Sucralose… Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn kiêng của một số người lớn.

Và trong thực tế, đã và đang diễn ra tình trạng, khi người tiêu dùng mua bánh Trung thu có pha trộn thêm chất xơ, vitamin và nhiều loại khoáng chất khác, nhằm tốt cho sức khỏe thì cũng là lúc chiếc bánh Trung thu không còn là một sản phẩm dành cho các em nữa. Bởi lẽ, các em nhỏ được ăn bánh Trung thu mỗi năm một lần vào dịp Tháng Tám âm lịch. Chắc chắn, sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa, trẻ em Việt Nam vẫn chưa cần sử dụng đến các loại bánh ăn kiêng, hay để làm đẹp da, hoặc sợ Cholesterol, cũng như nó được bổ sung thêm các loại chất xơ vi chất hay một số vitamin cần cho cơ thể.

Trong khi đó, cùng với một số chiêu quảng cáo tiếp thị rầm rộ, các nhà sản xuất bánh Trung thu đã làm thay đổi bản chất thực sự của loại bánh này. Người lớn, vốn dĩ chỉ “vui ké” niềm vui con trẻ, nay thì đang dành phần lớn các tết của trẻ em bằng những hộp bánh Trung thu giá cao, mà chắc hẳn không phải để đáp ứng cho việc “phá cỗ trông trăng” của con em mình.

Thực chất, trên thị trường hiện nay, bánh Trung thu có hai loại: Loại để ăn và loại để biếu, tặng. Loại thứ nhất, là những loại bánh Trung thu truyền thống, bao bì đơn giản, mức giá vừa phải. Còn loại thứ hai, thì cần hình thức sang trọng, với các loại nguyên liệu cao cấp và được quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên, trong thực tế, dạo quanh các điểm bán bánh Trung thu ở Đà Lạt, người tiêu dùng rất khó tìm được loại bánh thứ nhất. Để tìm được một chiếc bánh trung thu đúng nghĩa cho con trẻ vào dịp này, hẳn không phải là một điều dễ dàng cho nhiều ông bố, bà mẹ, nhất là khi mà thu nhập thực tế của người lao động đang ngày một giảm sút. Trong khi đó, loại thứ hai thì có thể nói là tràn ngập thị trường.

Đến đây, chắc bạn đọc đã có thể hiểu được, bánh Trung thu bây giờ dành cho ai?
HOÀNG KIM NGỌC