Đến nghĩa trang liệt sĩ vào những ngày này trong tôi luôn rưng rưng một niềm xúc động. Nhìn hàng vạn tấm bia mộ khắc dòng chữ "Liệt sĩ vô danh", lòng tôi nhói đau.
Các anh sinh ra đều có tên tuổi, quê quán, với hồn quê xứ sở, các anh ngã xuống, tên tuổi vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của người thân lại trở thành vô danh trên dòng ghi bia mộ. Tôi bỗng nhớ bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh" của nhà thơ Văn Hiền "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/ Tổ quốc không mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình/ nỗi đau xanh cùng năm tháng". Tôi lặng lẽ cắm từng nén nhang lên những ngôi mộ xung quanh, nước mắt tôi rơi trong làn khói hương nhẹ bay lên.
"Chiều trắng xóa và những linh hồn trắng. Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn. Hương khói trắng và lòng ta trắng lặng. Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn". Tôi đã nghe "Đồng đội ơi" của nhạc sĩ Nguyễn Giang do ca sĩ Trọng Tấn trình bày vào một đêm mùa hè miền Tây lắng dịu. Tôi lặng đi, nghe rõ cả nhịp tim đập thổn thức, như nghe được tiếng gọi từ trái tim của những người đồng đội đi tìm đồng đội. Họ không có gì ngoài một tấm lòng. Trái tim và hành động của họ hướng về những người đồng đội hôm qua đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc.
Tôi có một người bạn thân làm nhiệm vụ đi tìm hài cốt đồng đội. Anh cùng với đội đặc nhiệm của mình (mang phiên hiệu K) đóng quân ở gần một cánh rừng gần biên giới Thái Lan, đây là địa bàn chiến đấu của Mặt trận 479 trước đây. Mức độ ác liệt còn để lại với những bãi mìn nằm rải rác, với những vết đạn còn hằn trên thân cây. Dù vậy qua gần 20 năm, những chồi non đã kịp lớn lên phần nào xóa đi những dấu vết cũ, muốn tìm được hài cốt đồng đội các anh hầu như phải mò mẫm tìm lại từ đầu. Tất cả chỉ dựa vào những nguồn tin thu thập được ở những người cựu chiến binh và trí nhớ của người dân địa phương. Công việc của các anh là đọc bản đồ, đi cùng bộ phận trinh sát tiền phương và bộ phận rà phá bom mìn để đánh dấu những khu vực cần thiết. Công việc ấy đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác trong từng vị trí nhỏ. Mỗi sai lầm có thể phải trả giá bằng chính sinh mạng của anh và đồng đội. Mỗi lần thắp một nén nhang trước khi cùng đồng đội gói chặt tấm nilon có nắm xương người chiến sĩ chưa biết tên, biết tuổi các anh ngậm ngùi rưng rưng nước mắt. "Bao nhiêu năm rồi, chắc người chiến sĩ ấy vẫn đau đáu ngóng đợi ngày về, cho dù không còn là hình hài nguyên vẹn. Chắc cũng ngần ấy thời gian, người thân chỉ được thấy anh trong những giấc ngủ không tròn".
Chiều nay khi thắp những nén nhang trong nghĩa trang, tôi ngồi lặng đi để nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về sức mạnh tuổi trẻ thời chiến, cái bi tráng của chiến tranh, cái nghĩa tình của con người sau cuộc chiến và trên những điều tôi nghĩ là lời nhắn nhủ từ những bia mộ vô danh lẫn hữu danh đến thế hệ trẻ hôm nay đừng quên với quá khứ hào hùng của dân tộc, dân tộc được đắp bằng xương máu của thế hệ cha anh... Tất cả cảm xúc ấy đã ngân trong tôi những cung bậc của tình người, tình đồng chí, niềm tự hào về một thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng vào một thời đại anh hùng trong đó còn có sự góp phần của ba mẹ tôi.