Chủ động đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

03:09, 20/09/2011

Trong mùa mưa bão, hầu hết những hư hỏng trên lưới điện thường gặp là do mưa kèm gió lớn làm đổ cây vào đường dây gây đứt dây, ngã trụ...

Gia cố hành lang lưới điện nông thôn nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão
Gia cố hành lang lưới điện nông thôn nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên có địa hình tương đối phức tạp nên hàng năm thường phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do bão lụt gây ra như: lốc xoáy, sạt lở đất, cây ngã đổ, ngập lụt… gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành và cung cấp điện tại địa phương. Chính vì thế, cứ mỗi mùa mưa bão tới lại kéo theo những nỗi lo tiềm ẩn về tai nạn điện. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ tai nạn điện thương tâm là do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cũng như những bất cẩn hoặc sai phạm khi sử dụng điện.
   
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, quy mô hệ thống điện Lâm Đồng hiện nay bao gồm: 225 km đường dây 110KV, 8 trạm biến áp truyền tải 110/22KV, 3.321 trạm biến áp các loại, gần 2.876 km đường dây trung thế, hơn 3.959 km đường dây hạ thế, với sản lượng điện thương phẩm mỗi năm đạt 670 triệu kWh, cung cấp điện cho trên 270,8 ngàn khách hàng.

Một hậu quả chúng ta đều thấy rõ là cứ vào mỗi mùa bão, thì hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có mạng lưới điện thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở đất, đổ trụ điện, cháy nổ các thiết bị điện, đứt dây dẫn điện,… Ngoài ra, tình trạng cây ngã vào lưới điện; gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn làm đứt dây dẫn điện; nước dâng làm ngập khiến các thiết bị điện rò điện ra môi trường xung quanh... gây không ít tai nạn, nguy hiểm cho người dân.

Trong mùa mưa bão năm 2010, hầu hết những hư hỏng trên lưới điện thường gặp là do mưa kèm gió lớn làm đổ cây vào đường dây gây đứt dây, ngã trụ, hoặc do gió lốc cuốn các vật lạ lên lưới điện gây sự cố ngắt mạch, chạm đất. Đơn cử, vào hạ tuần tháng 9/2010, gió lốc đã cuốn theo các vật thể lạ làm đứt dây, vỡ sứ cách điện làm gãy 1 trụ điện hạ thế thuộc trạm Đồng Cò, tuyến 477 (Di Linh).

Riêng tại Đà Lạt, trong mùa mưa bão năm ngoái cũng đã để xảy ra 11 sự cố trung áp, làm 162 khách hàng mất điện do đứt dây dẫn nhánh rẽ vào nhà. Đây cũng là địa phương trong tỉnh phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất đối với hệ thống lưới điện trong năm 2010. Nguyên nhân chính là do các tuyến đường dây trên địa bàn thành phố phần lớn chạy dưới tán cây, hoặc trong tầm ảnh hưởng của cây (trong khi việc chặt tỉa, phát quang tuyến chủ yếu chỉ để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong điều kiện bình thường); với những trường hợp đặc biệt như cây nghiêng, mục, chết khô có khả năng ngã đổ mới được phép chặt nên trong mùa mưa bão một số cây bị bật gốc hoặc gãy cành, ngọn cây do gió bão đã gây sự cố trực tiếp vào đường dây là không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành lưới điện, các vị trí có nguy cơ về mất an toàn đều phải khắc phục và xử lý ngay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vi phạm các khoảng cách an toàn đối với lưới điện như xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện, trồng cây cối trong (hoặc gần) hành lang an toàn lưới điện, các phương tiện hoạt động gần lưới điện cao áp còn khá phổ biến, gây nhiều sự cố lưới điện và tai nạn điện.

Để thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, nhất là đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng ứng phó sự cố cho các cán bộ, công nhân viên trong ngành. Trên cơ sở đó, thành lập lại Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, đội xung kích và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đồng thời tổ chức diễn tập với nhiều tình huống giả định như: sự cố ngập úng, đổ cột, đứt dây, mất điện... và các phương án xử lý nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tại hầu hết các địa bàn trọng điểm trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành chia theo nhóm, tổ, đội với các chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để khi xảy ra sự cố sẽ xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản. Đối với các loại thiết bị, vật tư dự phòng như: sứ, dây, cáp, cột điện... cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo cung ứng đầy đủ khi sự cố xảy ra.

Với 97,01% hộ dân trong tỉnh đã được sử dụng điện, trong đó tỷ lệ hộ nông thôn có điện là 95,46%, chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đây cũng chính là mối nguy hiểm, nếu như con người thiếu cẩn trọng, thiếu ý thức khi tiếp xúc với điện và sẽ khó tránh khỏi tai nạn rất thương tâm, nhất là trong mùa mưa bão. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố về điện trong mùa mưa bão, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, các ban quản lý điện địa phương và các tổ dịch vụ điện nông thôn khi thấy có nguy cơ xảy ra sự cố cần tách lưới điện hạ áp ra khỏi vận hành, trong trường hợp không thể thao tác tách lưới điện phải thông báo kịp thời cho điện lực huyện, thành phố để tách từ đầu nguồn. Đối với những khu vực bị ngập nước do mưa lũ, người sử dụng điện cần chú ý trước khi đóng điện trở lại phải kiểm tra, vệ sinh phần thiết bị điện bị ngập nước, nếu thấy an toàn mới đóng điện để sử dụng.

Hồng Hải