Chuyện về hãng xe ôm đợi Tây ở phố núi Đà Lạt

10:09, 01/09/2011

Hãng xe ôm này được đánh giá có xu hướng hội nhập nền kinh tế thế giới sớm nhất. Và cùng với những uy danh, còn là những giọt nước mắt của sự nhọc nhằn, những cuộc tình xuyên quốc gia.

Đây là hãng xe ôm độc nhất vô nhị của phố núi Đà Lạt cũng như duy nhất ở nước ta. Hãng xe ôm này được đánh giá có xu hướng hội nhập nền kinh tế thế giới sớm nhất. Và cùng với những uy danh, còn là những giọt nước mắt của sự nhọc nhằn, những cuộc tình xuyên quốc gia.

Xe ôm... internet

Quen với anh đã lâu, biết nghề anh làm nhưng hẹn gặp anh một lần cũng không dễ. Cứ có đợt vào phố núi Đà Lạt công tác tôi lại ngoắc điện thoại liên hệ với anh thì đều phải giật mình. Lúc thì anh đang ở tận đất mũi Cà Mau, lúc thì anh lại bảo đang ở phiên chợ tình Sa Pa. Thật đáng nể!

Làm nghề báo, vốn được đi nhiều nhưng khi gặp anh tôi cũng phải "tắt điện" về cái sự đi, từng trải và va vấp của các anh. Không còn hy vọng gặp anh để mà tìm hiểu về nghề nữa thì đợt vào Tây Nguyên công tác vừa rồi chính anh lại ngoắc điện thoại cho tôi. Anh bảo, hiện anh đang tạm nghỉ ở Đà Lạt, nghỉ để bảo dưỡng người và xe. Tôi quấy quả tạt qua phố núi tìm anh.

 Một xe ôm và khách du lịch

Chỗ anh hẹn tôi là một quán cà phê, có wifi (internet không dây) khá sang nơi phố núi. Anh đang nhâm nhi ly cà phê chờ tôi còn tay thì đang rê chuột trên máy tính để tìm đối tác. Gọi cho tôi ly cà phê, anh bảo đã quen với việc này từ lâu, để có khách, để có thu nhập chỉ vào mạng hay tìm vào một quán cà phê có wifi nào đó mà thôi.

Anh trông khá phong trần và bụi bặm, có nét khắc khổ như một tay đua xe ở xứ tuyết nào đó. Tên đầy đủ của anh là Trần Ngọc Bá, ở phường 6 TP Đà Lạt. Hiện tại, ăn theo nghề của anh và chiếc xe Bô- nớt còn là một vợ và hai con đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh, đứa đầu năm cuối, đứa út năm thứ hai. Tổng "thiệt hại" của nhà anh giờ khoảng 6 triệu đồng/tháng, tất cả đều trông vào chiếc xe và những cái nhắp và rê chuột ở trên mạng của anh.

Anh Bá bảo, nghề của anh cũng như hãng xe ôm internet của anh khởi thủy có từ năm 1991, thế nhưng phải 4 năm sau mới đi vào hoạt động quy củ, có tên miền và có tổ chức. Anh Bá nhớ lại, năm ấy, Đà Lạt đang phát triển mạnh du lịch, không hiểu sao khách Tây đặc biệt là khách Đức và Na Uy đến khá đông. Nhiều người trong họ có yêu cầu rất quái gở là đi du lịch nhưng không chấp nhận đi bằng xe ô tô, tầu hỏa mà đi bằng xe máy.

Thật ra, lúc đó cả nhóm không dám nhận lời chở khách đi. Vì...e ngại. Làm nghề xe ôm đã lâu nhưng thú thực các anh chỉ dám chở khách đi các nơi trong tỉnh, bạo lắm là dám chở khách vượt biên sang các tỉnh bạn như Gia Lai, Kon-Tum, hay Đăk Lăk mà thôi.

Tiền đô khách trả cũng thích lắm, nhưng ai dám chở người ta đi tận Hòa Bình, Sa Pa hay Hà Giang cho được. Quan hệ không, các tua du lịch cũng không, đường sá lại càng không rành nên đành chịu. Nhưng khách đến yêu cầu nhiều quá, nhóm anh cấn cá, lúc đó có anh Long, đội trưởng bây giờ, vốn là người đi nhiều, anh đã mạnh dạn tập trung anh em lại.

Họ châu đầu bàn bạc với nhau, sưu tầm bản đồ, các vùng miền du lịch. Cũng với quan hệ của mình, anh Long bạo dạn nhấc máy đặt mối, tìm điểm đến, điểm hỗ trợ cho anh em. Thế là khách được nhận, anh em nhận tua bạo dạn lên đường.

Cuốc xe ôm kỷ lục: 6 tháng

Từ buổi ban đầu lưu luyến ấy, rồi một trang web cũng đã được anh em hình thành, có tên là: Datlat Easy Rider (dalat-easyrider.com). Khách có nhu cầu, vào trang web của các anh đặt tua. Khi được chọn, các cá nhân trong hãng sẽ được khổ chủ gặp gỡ, tư vấn. Bằng khả năng của mình, họ phải thuyết phục được đối tác.

Tua ấy mất bao nhiêu ngày, đến đâu, ăn ngủ thế nào, đều phải chủ động liệt kê các thông số để đưa ra. Làm sao cho khách ưng thuận, tin tưởng mình rồi mới đến chuyện chọn mặt mà đặt giá. Giá cả đưa ra cùng cả những sự tính toán, làm sao cho khách không dị ứng mà bỏ mình, làm sao để mà có thu nhập cao để nuôi sống gia đình.

Hiện tại ở Đà Lạt, đội xe ôm của anh Bá đã có tổng thể 70 người và hoạt động đã khá chuyên nghiệp. Mọi thành viên của hãng xe ôm này ngoài tiếng mẹ đẻ còn nói, viết thông thạo tiếng Anh, có người còn nói được cả tiếng Pháp, Đức nữa. Tất cả mọi người đến với hãng xe ôm đặc biệt này đều phải tự trang bị ngoại ngữ cho mình, ngoài sức khỏe, phương tiện thì ngoại ngữ là cái không thể thiếu, tất thảy mọi người trong họ đều có một trình độ ngoại ngữ khá tốt.

Phải nói cái nghề của hãng xe ôm độc nhất vô nhị này có nhiều cái rất đặc biệt mà bất cứ những người làm vận tải khác đều phải nể phục. Những người làm xe ôm như anh Bá đã có lúc đi một cuốc xe ôm đến cả 6 tháng trời! Cuốc xe ôm này anh chở cô phóng viên của một kênh truyền hình tại Na Uy.

Cô ta có nhu cầu đi khám phá các vùng miền của nước ta, theo bạn quen cô ta đã tìm vào trang web của các anh. Anh đã quen cô ta và thuyết phục được cô ta trên mạng. Bằng khả năng ngoại ngữ, cô ấy đã "bồ kết" anh và quyết định mua vé bay sang để ôm eo anh đi du lịch.

Ngày hẹn đến, anh rong ruổi với con Bô- nớt đã được gia cố tạm biệt phố núi vào sân bay Tân Sơn Nhất đón cô. Từ Tân Sơn Nhất, anh đưa cô xuống bến Ninh Kiều, sang xứ dừa Bến Tre, rồi ra Phan Rang thăm Tháp Chàm. Cứ mải miết đi, cuốc xe ôm này dừng ở khu Dinh thự Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà (Lào Cai) rồi lại trở về phố núi.

Chia tay vợ trong một buổi sáng bảng lảng sương khói ở Đà Lạt, anh Bá chay tịnh cùng cô khách đến lúc về gặp vợ nửa năm đã kết thúc. Người vợ không ca thán vì miếng cơm manh áo trong sự ra đi của anh.

Bù lại, bằng sự nhiệt tình của anh, bằng sự chỉ bảo hướng dẫn tận tình rất Việt Nam mà cô khách hàng người Na Uy cũng không quên tặng thêm tiền cho anh trước khi bay về cố quốc. Theo anh Bá, chuyến đi này đã giúp anh trang trải nợ nần và cái đặc biệt là anh đã để ra được thêm một món kinh phí cho đứa con chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học vào năm nay.

Những cuộc tình trên từng cây số

Khách du lịch nước ngoài và đội xe ôm chuyên nghiệp ở Đà Lạt chuẩn bị lên đường

Cũng như các ngành nghề khác, trong thời buổi hội nhập, hãng xe ôm độc nhất vô nhị này mấy năm gần đây cũng đang báo động một hiện tượng "chảy máu" nhân lực. Việc "chảy máu" này không phải ở đâu đó có thêm một hãng xe ôm giống như thế này nữa mà do...tình duyên nảy sinh giữa khách và người làm nghề trên các dặm đường.

Anh Bá bảo, không ít người trong đội cũng mơ ước một ngày nào đó gặp được một nửa của mình từ chân trời xa lạ. Anh Bá kể, đầu năm rồi, đội của anh cũng vừa chia tay với một thành viên trẻ. Cũng đưa khách, cũng phải lòng nhau rồi thành vợ thành chồng, chia tay với nghề xe ôm rồi ra nước ngoài định cư. Vì cậu ta chưa có vợ con trong nước, nên dù đội xe ôm có khuyết đi một thành viên thì nói chung đó vẫn là chuyện vui. Anh chàng xe ôm đã tìm được tình yêu hạnh phúc và một cuộc sống mới.

Nhưng điều đáng buồn là những chuyện tình xuyên biên giới, trên từng cây số như vậy lại xẩy ra với những người đã có gia đình. Chuyện buồn đầu tiên phải kể đến anh K. Anh này đã có vợ và hai con. Truân chuyên với nghề, với anh em một thời gian dài thì định mệnh đã đến cùng anh khi anh chở một cô người Mỹ đi khám phá du lịch ở vùng Đăk Tô và Khe Sanh.

Chắc thấy anh hiền lành, ăn nói có duyên nên tua du lịch chưa khám phá xong thì anh đã bị cô người Mỹ kia khám phá lại. Cầm lòng chẳng đặng, thế là anh cũng lao vào khám phá cô khách. Sau tua du lịch ấy, trở về phố núi Đà Lạt, anh đã lặng lẽ chia tay vợ con rồi bay sang Mỹ để đi theo tình yêu mới.

Anh Bá tâm sự: Làm nghề này có đủ thứ mà va vấp, đặc biệt khách nước ngoài họ cũng khá cởi mở về vấn đề này nên ai yếu lòng là dính ngay. Cái quan trọng của con người ta là phải biết điểm dừng.

Theo Đơn Thương (báo Đời sống và pháp luật)