Tập trung xây dựng phát triển văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đẩy mạnh xã hội hóa công tác văn hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, quan tâm phát triển nguồn lực con người.
Có thể nói, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Đam Rông trong những năm qua đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, Đam Rông đã có 51/51 thôn và 76/76 cơ quan được phê duyệt quy ước văn hóa; trong đó có gần 50 thôn và gần 60 cơ quan được công nhận thôn văn hóa và cơ quan văn hóa cấp huyện, khoảng 5.500 hộ trong tổng số gần 8.300 hộ dân được công nhận là gia đình văn hóa (đạt khoảng 66%).
Đam Rông có hơn 38.000 dân (8.284 hộ), trong đó có 26.617 người là dân tộc thiểu số (5.100 hộ, chiếm gần 70%). Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Đam Rông đang thực hiện Chương trình 135 và cũng là địa phương được đầu tư phát triển theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bình quân mỗi năm, Đam Rông được đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a chiếm 30 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của Đam Rông đã giảm từ 82,5% (3.523 hộ) năm 2005 xuống còn 45% (1.391 hộ) năm 2009 và xuống còn ước khoảng trên 20% hiện nay. Năm 2011 này là năm đầu tiên Đam Rông triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2011 – 2015; trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa khu dân cư, nên có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với vùng sâu này. Lùi về trước, năm 2004 – năm đầu tiên thành lập huyện, lãnh đạo huyện Đam Rông đã đặc biệt quan tâm đến phát triển KT-XH gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, về việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thôn 5 của xã Rô Men là một điển hình về xây dựng thôn văn hóa. Thôn 5 (Rô Men) có 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông với 665 nhân khẩu (117 hộ). Trong buổi lễ đón nhận bằng công nhận thôn văn hóa hồi cuối năm ngoái, lãnh đạo thôn phát biểu: “Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; các sinh hoạt dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ. Từ năm 2005 đến nay, đời sống văn hóa tinh thần của bà con trong thôn được nâng lên một cách rõ rệt. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cho tới nay, số hộ gia đình văn hóa của thôn là 78, tăng 60% so với năm 2005”.
Xây dựng đời sống văn hóa gắn với giảm nghèo là hướng phát triển được lãnh đạo huyện Đam Rông xác định để thực hiện trong nhiều năm qua và những năm sắp tới. Thực hiện đề án chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện xác định: Tăng cường công tác tuyên truyền làm cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi dần thói quen lạc hậu, đồng thời nâng cao ý chí tự lập và quyết tâm thoát nghèo; tập trung giao đất trồng rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, lồng ghép các chương trình và dự án để xây dựng các mô hình kinh tế hộ…”.
Đồng chí Vũ Kim Sinh, Bí thư Huyện ủy Đam Rông, cho biết: “Nhìn chung, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa đã được cán bộ và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì kết quả thực hiện vẫn đạt ở mức chưa cao. Bởi vậy, trong thời gian tới, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành quyết liệt hơn trong việc đăng ký các tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hơn nữa trong việc hưởng ứng phong trào Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.