Đạ Huoai là một trong những huyện nghèo của tỉnh, dân số hơn 37.000 người, trong đó có 60% trong độ tuổi lao động, hầu hết chưa qua đào tạo. Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu bức thiết hiện nay ở huyện Đạ Huoai.
Một phiên giao dịch việc làm |
Căn cứ Quyết định số 1946/QĐ UBND ngày 25/8/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Đạ Huoai đã ra Nghị quyết “về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020”. Với mục tiêu cụ thể bình quân hàng năm, huyện đào tạo nghề cho 1.000 đến 1.500 lao động; trong đó, 40% phục vụ sản xuất nông nghiệp, 60% chuyển đổi ngành nghề tại chỗ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, tính đến thời điểm tháng 8/2011, huyện Đạ Huoai chỉ mới đào tạo được 770 học viên. Thực tế này cho thấy, công tác đào tạo nghề ở địa phương chưa thu hút được người dân.
Mặc dù UBND huyện Đạ Huoai đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, nhưng nhìn chung chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người dân. Mặt khác, nông dân Đạ Huoai ít được tiếp cận với bên ngoài, trình độ học vấn thấp, ngại tiếp thu cái mới, dễ bằng lòng với cái đã có. Việc tổ chức sản xuất và cuộc sống của họ dựa vào kinh nghiệm là chính. Họ không chỉ thiếu kỹ năng nghề chuyên sâu mà thiếu cả hiểu biết về an toàn lao động, pháp luật, kỷ luật và tác phong công nghiệp. Người lao động không muốn rời nơi cư trú để đi học nghề cũng là một trở ngại không nhỏ.
Ông Lê Văn Nhân - Quyền Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đạ Huoai, cho rằng: “Điều kiện vật chất phục vụ cho học tập và thực hành ở các cơ sở dạy nghề còn thiếu thốn; đồng thời, thiếu đội ngũ giáo viên. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được phân công cho cấp huyện, chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch phân bổ đào tạo nghề của tỉnh. Do đó, việc chủ động trong công tác điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu”. Nhiều năm qua, huyện Đạ Huoai chỉ có thể phát huy những nghề gắn liền với công việc nông nghiệp, nông thôn như: chăn nuôi, thú y, trồng trọt, đan mây tre… Còn những ngành kỹ thuật như: điện, sửa chữa ô tô, xe máy, cơ khí… rất ít người lao động theo học. Vì sau khi đào tạo xong, họ không biết làm việc ở đâu! Năm 2006, huyện Đạ Huoai đã tổ chức ngày hội việc làm; tuy nhiên, không thu hút được người lao động, không mời gọi được doanh nghiệp tài trợ. Hiện nay, huyện đang vận động 200 em học sinh bỏ học tham gia học nghề, nhưng chưa có em nào đăng ký! Theo ông Trương Thoại Hào – Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đạ Huoai: “Muốn Trung tâm dạy nghề thuận lợi trong việc tuyển sinh, điều đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của học viên về học nghề. Đây là việc của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT”.
Theo chúng tôi, để việc đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn thực sự hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao của người dân, cần tiếp tục thực hiện một số vấn đề: Trước hết, cần có sự “vào cuộc” mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Nhận thức đúng về đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp huyện Đạ Huoai trên thị trường.
Khi tiến hành đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, nhất thời. Bên cạnh đó, cần linh hoạt về chương trình, phương thức đào tạo, phương pháp truyền đạt, bỏ bớt các tiết học lý thuyết, lấy thực hành làm chính và có chế độ khuyến khích người học, tạo cho họ sự phấn khởi để quá trình theo học đạt kết quả cao.
Và, một điều vô cùng quan trọng là chương trình và thời gian đào tạo phải có tính khả thi; phải đảm bảo chắc chắn công ăn việc làm cho học viên sau khi kết thúc khoá học. Vì vậy, mối dây quan hệ giữa nhà trường dạy nghề với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải được thể chế hoá giữa cung và cầu; cần một tầm nhìn chiến lược trong công tác đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn. Làm được các vấn đề này, thiết nghĩ sẽ góp phần xoá đói, giảm nghèo và hạ thấp được tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương.