Đổi thay ở xã Lát

01:09, 01/09/2011

Thay vào con đường lầy thụt 10 năm trước là một con đường lớn, thảm nhựa mịn màng. Hai bên đường, những trụ điện mang dòng điện lưới quốc gia, tỏa nhiều nhánh rẽ đến những buôn làng sâu nhất, xa nhất.

Thay vào con đường lầy thụt 10 năm trước là một con đường lớn, thảm nhựa mịn màng. Hai bên đường, những trụ điện mang dòng điện lưới quốc gia, tỏa nhiều nhánh rẽ đến những buôn làng sâu nhất, xa nhất. Các công trình như bệnh viện huyện, trạm điện, Thủy điện Đa Dâng Đachomo, Nhà máy nước Đan Kia 2 đang tạo nên những điểm nhấn trên con đường xây dựng nông thôn mới của xã Lát.

Năm 2004, sáu thôn vùng đệm của rừng Bidoup - Núi Bà và Đan Kia - Suối Vàng tách ra khỏi xã Lát cũ, thành lập xã mới mang tên xã Lát (phần còn lại nay là thị trấn Lạc Dương). Do đó, những thôn xa nhất (cách trung tâm xã 25 - 40 km) là Păng Tiêng, Đạ Nghịch, nên xã Lát hiện vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ từ Chương trình 135. Các thôn Păng Tiêng, Bnơ C, Đăngiarit B đang được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững từ Chương trình 30a của Chính phủ.
 
Thu hoạch rau ở xã Lát
Thu hoạch rau ở xã Lát

Theo đồng chí Trương Công Hoạch – Bí thư Đảng ủy xã Lát: Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 25%, tổng thu nhập GDP đạt 65 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 15 triệu đ/năm, người dân xã Lát đã nỗ lực vượt khó. Song hành với những nỗ lực đó, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình, nhiều nguồn vốn đầu tư nhằm ổn định định canh, định cư, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc… Ngành Lâm nghiệp đã khoanh nuôi, giao khoán trên 15 ngàn ha rừng cho 558 hộ, giải quyết việc làm cho 650 lao động. Số hộ dân này có thu nhập ổn định từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường.

Bên cạnh đó, nông dân xã Lát luôn được hỗ trợ để mở rộng diện tích gieo trồng. Hằng năm, thâm canh 6 ha rau 3 vụ, 40 ha hoa, 40 ha lúa nước 2 vụ và 980 ha cà phê. Với định hướng chú trọng đầu tư chiều sâu, thâm canh chứ không quảng canh, các chương trình, dự án đã đưa xã Lát thoát khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp, du canh du cư, phát nương làm rẫy và phương thức độc canh. Hiện nay, người Cơ Ho, Cill, Lạch ở xã Lát không chỉ tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng rau, hoa, cà phê… mà còn ứng dụng để phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện, toàn xã đã duy trì đàn trâu 1.259 con, đàn bò 1.273 con, đàn ngựa 421 con, đàn dê 48 con, đàn heo 1.100 con, đàn gia cầm trên 15 ngàn con… Những cánh đồng bắp sú, cải thảo, dâu tây… đang thay thế dần những ruộng lúa… Những gia đình như Cill Jên trồng hoa hồng, Kadar Tư trồng cà phê… có thu nhập 200 triệu đ/năm, là bằng chứng cho những nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước phát triển bền vững.

Nhưng bước chuyển mình lớn nhất ở xã Lát bắt đầu từ giáo dục. Với chủ trương nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng dạy và học, kịp thời động viên con em các dân tộc đến trường, trên địa bàn của xã đã xây dựng 6 trường học và nhiều điểm trường, trong đó có 2 trường mầm non cho 6 thôn, với khoảng 200 cháu; 3 trường tiểu học với tỉ lệ học sinh ra lớp hàng năm đạt 99%, duy trì sĩ số đạt 97%; 1 trường trung học cơ sở có đủ 4 khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và đang tiến hành phổ cập THCS, nên năm 2008 xã đã được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục.

Ngay cạnh trụ sở làm việc của xã là Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia mới được đưa vào sử dụng. Với 5 y, bác sĩ được hỗ trợ từ Trung tâm Y tế huyện, tỉnh đã đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân, thực hiện tốt công tác chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, chỉ đạo thực hiện,nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm. Trên địa bàn xã có 2 thôn B nơ B và B nơ C được công nhận thôn không có người sinh con thứ 3. 95% dân số xã Lát được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Việc làm đó càng tạo lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với hệ thống y tế của Nhà nước.

Trạm Bưu điện văn hóa xã thường xuyên mở cửa, cung cấp thông tin về khuyến học, khuyến nông, khuyến lâm, những kiến thức về Luật Đất đai, Luật Giao thông… Đến nay, trên địa bàn xã Lát vẫn luôn ổn định về an ninh, quốc phòng, không có tệ nạn xã hội. 6/6 thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa (3 thôn cấp tỉnh, 3 thôn cấp huyện). Xã Lát luôn là đơn vị dẫn đầu toàn huyện trong hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng: 6/6 thôn đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền thường xuyên luyện tập, thi đấu và tham gia các hoạt động do xã, huyện tổ chức. Công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương kiên trì thực hiện, đến nay, cơ bản đã xóa được 268 căn nhà tạm trên địa bàn.

Các buôn làng của xã Lát đều nằm ở vị trí và địa thế rất đẹp. Hiện đang có 17 dự án về: quản lý bảo vệ rừng, trồng hoa, nuôi cá nước lạnh, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, thủy điện đầu tư vào xã… Để phát huy thế mạnh của địa phương, cộng đồng các dân tộc xã Lát cần được hỗ trợ hơn nữa để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát truyền thống, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mang sức hấp dẫn của một miền sơn cước.
ĐINH THỊ NGA