Đức Trọng với chuơng trình xây dựng nông thôn mới

03:09, 04/09/2011

(LĐ online) - Vừa qua, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) là một xã duy nhất ở Tây Nguyên được Chính phủ đầu tư xây mô hình nông thôn mới. Hiện tại, huyện tiếp tục hoàn thành việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới xã Tân Hội vào cuối năm 2011duy trì...

(LĐ online) - Vừa qua, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) là một xã duy nhất ở Tây Nguyên được Chính phủ đầu tư xây mô hình nông thôn mới. Hiện tại, huyện tiếp tục hoàn thành việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới xã Tân Hội vào cuối năm 2011duy trì. Phát huy có hiệu quả cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã còn lại, huyện Đức Trọng phấn đấu trở thành huyện dẫn đầu, địa bàn trọng điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Trên nền tảng thành quả xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 – 2015, huyện Đức Trọng sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt trên 130 triệu đồng.
 
Lãnh đạo tỉnh va huyện kiểm tra chất lượng công trình giao thông liên xã do nhân dân làm chủ quá trình thi công
Lãnh đạo tỉnh và huyện kiểm tra chất lượng công trình giao thông liên xã do nhân dân làm chủ quá trình thi công

Làm gì để thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới? Theo lãnh đạo huyện Đức Trọng, trước mắt huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch và xây dựng các vùng chuyên canh nông sản, chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện. Đồng thời quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch mở rộng và nâng cấp thị trấn Liên Nghĩa đủ điều kiện thành thị xã với chức năng đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt; đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng thành phố Đà Lạt; hình thành thị trấn Đại Ninh và thị tứ Đà Loan. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước cho thị trấn Liên Nghĩa và trung tâm một số xã. Từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu như kiên cố hóa trường lớp học, trạm y tế xã, hệ thống vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng đô thị.

Bên cạnh đó, Đức Trọng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khắc phục và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Xác định rõ các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn là lực lượng chủ yếu để xây dựng nông thôn mới, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn từ các doanh nghiệp và nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn của từng xã theo từng tiêu chí, tiến hành điều tra từng hộ, từng thôn, tổng hợp trên địa bàn toàn xã; đề ra giải pháp và lộ trình tổ chức thực hiện cụ thể. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà” để ổn định đầu ra cho nông sản. Thành lập tổ giám sát nhân dân theo từng công trình để tham gia giám sát việc sử dụng kinh phí, chất lượng xây dựng, quản lý và sử dụng công trình; đảm bảo sử dụng các nguồn lực đúng quy định và hiệu quả.

Muốn xây dựng Chương trình nông thôn mới một cách bền vững và đạt hiệu quả cao, Đức Trọng xác định phải quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu qủa hoạt động, tổ chức điều hành của chính quyền các cấp và chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị- xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ, đủ năng lực thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên và huyện đề ra.
 
BÌNH NGUYÊN