Đưng K’nớ chơi vơi giữa mùa mưa

03:09, 27/09/2011

Mảnh đất thiêng của già K’nớ đang thiếu đủ thứ, từ miếng thịt, mớ rau cho đến cả gói mỳ. Đưng K’nớ, giữa mùa mưa, xa, hẻo lánh và chơi vơi như một ốc đảo …

Đường vào Đưng K’nớ (thuộc huyện Lạc Dương một trong những xã nghèo nhất của Nam Tây Nguyên) mùa mưa lầy lội và ngập tràn bùn đất. Mảnh đất thiêng của già K’nớ đang thiếu đủ thứ, từ miếng thịt, mớ rau cho đến cả gói mỳ. Đưng K’nớ, giữa mùa mưa, xa, hẻo lánh và chơi vơi như một ốc đảo …
 
a
Bon Niêng Ha Siêng lái chiếc Minxcơ chở con gái Ka Vân (9 tuổi) từ bệnh viện tỉnh về lại buôn làng. Ảnh Lâm Viên

Thức ăn đắt đỏ
   
Con đường Đông Trường Sơn, từ khi khởi động thi công đã hơn ba năm, nhất là đoạn nối từ thôn Lán Tranh vào ngã ba trung tâm xã Đưng K’nớ vẫn bầy nhầy, lầy lội và “xứng danh” là một trong những cung đường khó đi nhất Tây Nguyên.

Đường xưa là một lối mòn, độc đạo nối giữa vùng đất cao Lang Biang và đất thấp Đầm Ròn. Đã từng có tư liệu chép lại, phu nhân Trần Lệ Xuân của chính Ngô Đình Diệm (quyền ngụy Sài Gòn) cho xây dựng cung đường này nối liền với Đắc Lắc nhưng bất thành vì đoạn nối qua đầu nguồn Krông Nô quá hiểm trở.

Hiện tại, Đưng K’nớ chỉ cách Đà Lạt đô thị chừng hơn 50 km, nhưng vẫn chênh vênh mỗi lần đến về.
   
Mất 4 tiếng và gần như phải đánh vật, “nhào lộn” với chiếc xe Win cùng với anh bạn kiểm lâm, chúng tôi mới đặt chân đến được “Đồng bằng ở trên cao”.

Đưng K’nớ mùa này thiếu đủ thứ! Xe tải chở nhu yếu phẩm không vào được, xe gắn máy thì số lượng cầm chừng và thương lái thì bán với giá “trên trời”. Kiếm một bữa ăn tươm tất ở “Xứ ruồi vàng” bằng tiền mua được (không phải “cây nhà lá vườn”), số tiền ấy đủ để đàng hoàng ngắm sương, hoa ở chốn phồn hoa Đà Lạt trong một nhà hàng có cỡ.

Hãy cứ tưởng tượng, một con vịt 2 kg/250 ngàn; gà ta hơn một kg/trên 200 ngàn, một lít rượu đế loại xoàng cũng xấp xỉ 20 ngàn đồng. Chưa tính những miếng thịt heo, bò, rau củ dù chất vào tủ lạnh và không đảm bảo chất lượng về thời gian, cũng được tính với giá mà chắc hẳn người dân ở xứ này phải “có việc” mới dám mua. 
   
Bon Niêng Ha Liêng - Chủ tịch xã của Đưng K’nớ, ngán ngẩm nói: “Các anh không biết đó thôi, mưa to hoặc khô ráo vài ngày còn di chuyển được. Mưa dầm dề cả tháng đến mỳ gói còn không có để mua, muốn ăn miếng thịt thì vừa phải bỏ nhiều tiền nhưng cũng ôi, thiu rồi”.

“Tâm nghèo” Nam Tây Nguyên
   
Đưng K’nớ xa, nghèo, tất cả chỉ vì nơi đây không có một con đường thuận tiện, dù cách Đà Lạt không xa.    Cả xã có bốn thôn chỉ với hơn 250 hộ, nhưng có đến gần 60% trong số đó là hộ nghèo.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi nông sản người dân làm được tất cả đều phải qua những thương lái “cắm chốt” ở xã. Hơn 367 ha cà phê của chừng ấy dân và mỗi hộ ít nhất cũng có khoảng chừng 1 ha đất sản xuất, nhưng người dân vẫn nghèo, vẫn đói và cách biệt với “no ấm”.
   
Cà phê tươi, hiện tại có giá khoảng 15 ngàn đồng/kg, nhưng là ở Tà Nung, Xuân Trường, xã Lát… còn ở Đưng K’nớ giá thu mua chỉ vỏn vẹn 5.000đ. Bà con biết bị thua thiệt nhưng chẳng ai đủ kinh tế để thuê hẳn một chuyến xe chở “mồ hôi, công sức” của mình ra Đà Lạt để lấy 15 ngàn đồng. Đành cắn răng chịu thiệt bán cho thương lái.
   
Người bạn kiểm lâm của tôi nói, “Nếu em chịu khó, cuối tuần cứ chở một bao cà phê 50 kg ra đến Đà Lạt cũng có lời (trừ tất cả chi phí) cũng có được vài trăm uống cà phê”. Nhưng tôi biết anh chàng không dám bởi đoạn đường “trần ai” ra Đà Lạt giữa mùa này, sức lực dùng để ép côn, đẩy xe cũng đã đủ bở hơi tai, đừng nói đến chuyện kiếm “đồng ra, đồng vào”.
   
Ở Đưng K’nớ, không hẳn không có hy vọng. Vẫn có nhiều người từ nơi khác đến bám đất và yêu thương.

Xã vài năm trở lại đây đã có trên dưới 6 em đậu đại học và 2 trong số đã ra trường về lại làm việc trong UBND xã. Nhiều thầy, cô giáo dù đã “hết hạn” 4 năm đi vùng sâu vẫn yêu thương trường lớp và muốn gắn bó với đám trẻ xanh xao hàng ngày đến trường.

Đặc biệt, K’Đông - Bí thư Chi đoàn xã ngày nào (giờ đã là Chánh văn phòng UBND xã) cũng đã “bắt” được một cô sinh viên tình nguyện Đại học Đà Lạt, quê tận Quảng Ninh về làm vợ, làm mẹ của hai đứa con, đồng thời dạy chữ cho đám trẻ nơi mình sinh ra.
   
Con đường rồi cũng sẽ hoàn thành, dù chẳng biết bao giờ. Hiện tại, Đưng K’nớ vẫn xa ngái, chênh vênh, chới với mỗi lần đến và về.
 
Ảnh Tuấn Linh
Ảnh Tuấn Linh

U oát cũng mắc cạn giữa cung đường Đưng K’Nớ
U oát cũng mắc cạn giữa cung đường Đưng K'Nớ. Ảnh Lâm Viên

ĐẶNG TUẤN LINH