Cách đây vài năm, tôi tình cờ gặp hai vợ chồng ông Điểu Sen (người dân tộc Stiêng ở Bình Phước) tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Ông Điểu Sen |
Giữa lúc câu chuyện dẫn đàn bà đi học xa đang còn rôm rả, ông Điểu Sen đập vai tôi lắc lắc: “Nói chuyện với mày thấy yên cái bụng. Khi nào về làm việc ở Bình Phước, mày ghé An Khương ăn bữa cơm với vợ chồng tao. Người Stiêng quý khách lắm. Ở thị xã Đồng Xoài có ông thầy người Kinh thường đến thăm chơi và ăn cơm chung với bà con tao. Đồng bào Stiêng vừa đổi họ Nguyễn của ổng thành họ Điểu đấy!”
- Ông ấy thầy gì lại được vinh dự thế hả bác! - Tôi tò mò hỏi.
- Nó tên là Nguyễn Tất Trung, Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Phước.
- Trường nó dạy cho con em Stiêng tao biết cái chữ, biết giữ phong tục của mình. Bây giờ thầy Điểu Trung là người của phum sóc tao rồi. Chính nó “xúi” tao cho con Sang ra Hà Nội học cao hơn nữa đấy!
Ông Điểu Sen vui vẻ kể chuyện An Khương quê nhà, rồi thừ người nhìn con gái có vẻ đắn đo, có nên để con mình ở lại Hà Nội hay không? Tôi quay sang cô sơn nữ Stiêng có đôi mắt đen láy, mái tóc xoăn dày và gương mặt hiền lành đang đứng bẽn lẽn nắm xoắn lấy tay mẹ giữa lòng thủ đô nhộn nhịp…
Mãi đến đầu năm nay, tôi mới có dịp phóng xe máy theo quốc lộ 14 về Bình Phước tìm ông thầy tên Điểu Trung. Từ phum sóc, qua điện thoại di động, ông cho tôi biết là ông đã chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THPT ở thị xã Bình Long. Tuy nhiên. ông thầy họ Điểu nói sẽ cho người đón tôi ở Đồng Xoài, sau đó dẫn về An Khương để gặp hai vợ chồng ông Điểu Sen.
Chiếc xe con màu mận chín, mang biển số 93A.0230, lặng lẽ theo những con đường nhỏ rợp mát tán lá cao su, rồi bỗng dừng lại trước một ngôi nhà sang trọng. Anh Quí - tài xế, nói: “Nhà ông Điểu Sen đó!”. Tôi ngỡ ngàng, vì tận phum sóc vùng giáp biên thùy, lại có căn nhà đẹp đến thế ư! Trong nghề nghiệp của mình, tôi đã đi và chụp khá nhiều những kiểu nhà của các dân tộc anh em ở miệt nam Tây nguyên. Trên đường đến sóc, tôi liên tưởng đến dãy nhà sàn buộc tre, có khói lam tỏa lên sáng chiều từ bếp lửa hồng. Dưới sàn nhà là đàn gia súc thả rông… Nhưng hiện nay, tại An Khương này, những hình ảnh ấy đã trở về quá khứ. Trước mặt tôi là một căn nhà xây đồ sộ, mặt tiền đầy hoa giấy đỏ, diện tích sử dụng gần 200m2. Xung quanh nhà được bao bọc bởi một vườn tiêu, cạnh hiên nhà là một chiếc máy kéo của Nhật. Giữa vườn tiêu là căn nhà cũ được ông giữ lại để đánh dấu đêm trước của dòng họ Điểu một thời khốn khó….
Ông Điểu Sen sinh năm 1947 là dân gốc An Khương, thị xã Bình Long. An Khương là tên của một địa danh có từ năm 1875 dưới thời vua Tự Đức (Nhà Nguyễn). Đó là vùng đất bazan trù phú, nơi có nhiều đồn điền cao su nằm sát biên giới Campuchia. Tại vùng đất đỏ xa xôi này, năm 1938 người Pháp mộ phu trồng cao su từ Bắc vào Nam để rồi cột chặt cuộc đời họ với những gốc cây xa lạ. Những năm đói kém mất mùa bệnh tật ấy, nhiều thợ cày ở Thái Bình, Nam Định… vào Nam đã bị sốt rét hoặc chết đói giữa rừng cao su không mộ chí.
Ông Sen tham gia cách mạng năm 1960, làm giao liên, vào Đảng năm 23 tuổi. Sau năm 75, ông làm Phó phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản, rồi làm Chủ tịch UBND xã An Khương cho đến ngày nghỉ hưu. Là chủ tịch một xã chủ yếu là dân tộc Stiêng, ông đau đáu cảnh nghèo đói với cuộc sống du canh du cư. Ông đề nghị bà con không được bỏ làng đi nữa, mà ở lại An Khương kiếm ăn từ đất. Để bà con yên tâm, ông đi tìm giống lúa, giống khoai, lo kiếm thầy dạy chữ và kêu gọi đồng bào Kinh - Thượng thương yêu nhau. Trong việc kiếm thầy, ông tìm được một cô giáo người Kinh dạy cấp I làm vợ. Chuyện ông lấy vợ làm “chấn động” cả một bản làng. Theo phong tục của người Stiêng, con gái đi hỏi chồng, con trai phải về ở rể (theo chế độ mẫu hệ). Nhưng ông Sen, sau đám cưới bắt vợ về nhà mình, con cái sinh ra được mang họ Điểu… Vợ chồng ông Điểu Sen có 6 người con: 2 trai, 4 gái. Tất cả các con đều học đại học hoặc trung cấp. Điểu Huỳnh Sang, đứa con gái thứ hai, được ông dẫn ra Hà Nội năm xưa nay đã là thạc sĩ, người nữ thạc sĩ đầu tiên của dân tộc Stiêng ở Bình Phước.
Lúc xe đỗ trước sân, ông vừa đi thăm vườn cao su về. Gặp chúng tôi, ông ôm vai thầy Điểu Trung mừng rỡ:
- Nhờ Đảng, Nhà nước và thầy Điểu Trung, con Sang nhà tôi được đậu bằng to rồi. Tôi bảo con em Stiêng cố mà học nhiều như nó.
- Bây giờ nhắc lại thấy sợ. Năm 1998, tôi dẫn con Sang ra tận thủ đô để xem đàn bà con gái có học cao nữa được không! Lúc ấy nhà mình còn nghèo, vét hết tiền nhà đi ô tô ra Bắc. Đến khi trở vô Nam, nhìn con Sang đứng khóc một mình mà đứt ruột, muốn bảo nó về nhà làm rẫy, bắt chồng cho nó. Cả nhà no đói có nhau, ở xa thế này dễ mất con lắm! Nhưng nhớ lời thầy Điểu Trung dặn, mình nuốt nước mắt để nó ở lại, về nhà khóc cả 10 ngày. Thầy Trung biết, lúc về An Khương tôi đi khoe khắp huyện: “Nhà tao có con đi học ở tận Hà Nội!”, rồi kêu gọi bà con Stiêng cho con đi học, được Nhà nước nuôi. Nhiều nhà nghe lọt tai, bắt con đi học được 30 đứa rồi. Ông Điểu Sen lại cười:
- Bây giờ nhà tao có 6 mẫu đất. Hai mẫu rưỡi trồng cao su, còn lại trồng lúa và trồng tiêu. Làm nông nghiệp cực khổ lắm, nhưng vẫn còn sung sướng gấp nhiều lần thời xưa. Cái lớn nhất của người Stiêng là có đủ cơm ăn, có đủ áo mặc, không phải khố trần như xưa. Con em hiện nay được Nhà nước nuôi cho đi học để biết cái chữ. Mấy đứa con nhà tao được học đến đại học, một đứa học to. Sau này, mỗi gia đình phải cố gắng cho con đi học, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, thế là quá tốt rồi. Con Sang nhà tao làm việc tận Đồng Xoài. Nó đang sưu tầm và phục hồi lại các phong tục và lễ hội Stiêng.
Ông Điểu Sen mời chúng tôi lần rượu thứ ba, gật gù vỗ đùi có vẻ bằng lòng về một đời người:
- Năm nay tao 65 tuổi, chưa phải là già. Nhiều lúc ngẫm nghĩ về dân tộc Stiêng của tao, trước đây đói rét, không đủ cơm ăn, sống như con heo, con nhím trong rừng. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, bà con mới có cuộc sống no đủ, có được cái chữ để đọc sách báo, có cái đầu để biết đúng sai. Công của thầy Điểu Trung, thầy Thảo, của cán bộ giáo viên Trường Dân tộc Nội trú Bình Phước lớn lắm!…
Chia tay vợ chồng ông Điểu Sen - một gia đình người Stiêng tiêu biểu, một già làng thời đổi mới, tôi mường tượng đến một thế hệ kế thừa, được học hành, biết giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc mình, biết tự vươn lên làm giàu chính đáng ở tận phum sóc, nơi vùng biên giới xa xôi.