Hội Nông dân trên “mặt trận xóa đói, giảm nghèo”

10:09, 06/09/2011

Đến nay, đời sống của nông dân trong tỉnh đã cơ bản ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, một bộ phận nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng… Làm nên sự thay đổi này có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân các cấp.

Đến nay, đời sống của nông dân trong tỉnh đã cơ bản ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, một bộ phận nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng… Làm nên sự thay đổi này có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân các cấp.

Một nét Sơn Điền (Di Linh)
Một nét Sơn Điền (Di Linh)
Phải khẳng định rằng, không có tổ chức hội nào lại có số hội viên đông đảo như Hội Nông dân. Toàn tỉnh hiện có 132.201 hội viên, chiếm tỷ lệ 82% so với số hộ nông nghiệp (toàn tỉnh có khoảng 160.000 hộ nông nghiệp), sinh hoạt tại 1.245 Chi hội. Địa bàn hoạt động chủ yếu của Hội Nông dân là khu vực nông thôn - nơi có trên 95% hộ nghèo đang sinh sống. Với đặc điểm đó, trên “mặt trận xóa đói, giảm nghèo”, Hội Nông dân luôn có những khó khăn và thế mạnh nhất định mà không phải tổ chức nào cũng có được.

Xác định xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Các cấp Hội luôn chủ động nắm chắc chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, khảo sát đời sống và tìm nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, giúp hội viên phát triển sản xuất. Một trong những việc làm nổi bật của Hội là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”… Qua thực hiện phong trào, từ năm 2006 đến nay đã có 46.131 lượt hộ gia đình hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có những hộ từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Điều đặc biệt của phong trào là cứ mỗi hộ để đạt được danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi phải đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ một hộ có điều kiện về lao động đang gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất… vươn lên thoát nghèo. Từ đó đã tạo được sự lan tỏa của phong trào, vừa thắt chặt được tình làng nghĩa xóm, vừa góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Ngoài ra, để giúp hội viên nông dân nghèo có thêm vốn phát triển sản xuất, trong 5 năm (2006 - 2010) các cấp Hội đã tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 42.286 lượt hội viên vay vốn với số tiền trên 568 tỷ đồng. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tín chấp cho trên 1.700 hộ vay với số tiền trên 15 tỷ đồng. Và từ nguồn vốn giải quyết việc làm, Hội đã triển khai thực hiện 13 dự án với số tiền 950 triệu đồng cho 60 hộ vay… Để có thêm nguồn lực bảo đảm cho các hoạt động của Hội, các cấp hội còn quan tâm đến công tác xây dựng quỹ hội và quỹ hỗ trợ nông dân. Với nhiều hình thức như vận động hội viên đóng góp, làm dịch vụ, tổ chức sản xuất, các cơ sở Hội và các Chi hội đã xây dựng quỹ hội được hơn 2,99 tỷ đồng và Quỹ hỗ trợ nông dân trên 1,18 tỷ đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất.

Cùng với việc tạo vốn cho nông dân phát triển sản xuất, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được các cấp Hội quan tâm. Hội đã phối hợp với hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y… tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, điểm trình diễn, hội thảo đầu bờ thu hút hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia. Thông qua các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đã góp phần giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất lạc hậu, từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại. Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình trả chậm 50%; phối hợp với các công ty lắp máy cung ứng cho nông dân trên 600 máy nông nghiệp các loại… Việc thực hiện các chương trình phối hợp đã góp phần giúp các hộ nông dân khó khăn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.

Với những giải pháp chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của các cấp Hội Nông dân, sau 5 năm (2006 - 2010) thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo, đã có hàng nghìn hộ hội viên nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh từ 23,72% vào đầu năm 2006, xuống còn 4,97% vào cuối năm 2010.

TỨ KIÊN