“Khát” nước ngay khi ở cạnh nhà máy nước

02:09, 29/09/2011

Người dân ở hai thôn Bonnơr B và Đan Kia (xã Lát, Lạc Dương) vẫn phải chịu cảnh “khát” nước ngay bên cạnh nhà máy nước và có đường ống nước đi ngang qua nhà hơn một năm nay.

Niềm vui sẽ có nước sạch của người dân ở hai thôn Bonnơr B và Đan Kia (xã Lát, Lạc Dương) đã kéo dài hơn 1 năm, kể từ khi Nhà máy nước Đan Kia 2 đóng tại địa bàn đi vào hoạt động. Thế nhưng, niềm vui ấy cứ tắt dần, người dân vẫn phải chịu cảnh “khát” nước ngay bên cạnh nhà máy nước và có đường ống nước đi ngang qua nhà.

Người dâ
Người dân thôn Bonnơr B vẫn phải dùng nước ao hồ lắng bùn trong các thùng phuy để sử dụng.
Nhiều năm nay, hơn 300 hộ dân ở hai thôn này vẫn quen với việc dùng nước giếng, nước mưa hay thậm chí cả nước sông, suối để sinh hoạt sau khi các vòi nước tự chảy bị hư hỏng.

Hộ Kra Jãn Wơr (thôn Đan Kia) từ trước đến sau nhà dựng đầy thùng phuy đựng nước, ông Wơr cho biết, cứ mỗi tuần một lần, gia đình ông phải bơm nước dưới hồ gần nhà lên đổ vào thùng phuy, để vài ba ngày cho bùn lắng xuống mới dùng được. Không chỉ riêng hộ ông Wơr, mà hầu như những hộ xung quanh cũng phải sử dụng nước theo cách này, và khi nước trong phuy đã lắng một lớp bùn dày thì người dân ở đây gọi là “nước sạch” và dùng để nấu ăn, tắm giặt.

Không ở gần hồ như hộ Kra Jãn Wơr, hộ Cil Jét (thôn Bonnơr B) phải trữ nước mưa trong những thùng nhựa. Đến mùa khô, những người trong gia đình phải thay phiên nhau đi xách nước ở những giếng xa nhà đến vài cây số. Thiếu nước, những đứa trẻ của Cil Jét không được tắm giặt thường xuyên, vừa rồi có đứa phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp. Một số hộ dân sống gần UBND xã Lát thì vài năm trở lại đây đã không phải đi xách nước ở xa mà “được dùng ké” nước giếng của UBND xã. Ngay cả trạm y tế xã Lát từ khi thi công đến khi đưa vào sử dụng cũng phải dùng nhờ nước giếng khoan của UBND xã.

Ông Liêng Hót Duck - Trưởng thôn Bonnơr B cho biết, trước đây, Nhà máy nước Đan Kia 2 có tổ chức một buổi họp dân bàn về việc đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy nước và đào đường lắp đặt đường ống nước và hứa sẽ bắc một nhánh nhỏ để cấp nước cho hai thôn Bonnơr B và Đan Kia khi nhà máy nước đi vào hoạt động. Vậy mà, Nhà máy nước Đan Kia 2 đã chính thức cấp nước hơn một năm nay, nhưng người dân ở hai thôn này vẫn phải tiếp tục dùng những nguồn nước khác nhau cho nhu cầu cuộc sống. Khi liên hệ với Nhà máy nước Đan Kia 2 về vấn đề này thì không có câu trả lời, vì nhà máy nước thay đổi người quản lý liên tục, người sau cứ nói đó là trách nhiệm của người trước ?

Ngoài 5 cái giếng khoan nằm rải rác ở hai thôn phục vụ cho hơn 1.500 người dân, nước sông, nước ao hồ vẫn được dùng như là nguồn nước chính. Vài năm trở lại đây, khi cà phê được mùa và được giá, đời sống của một số hộ dân đồng bào DTTS nơi đây được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nhà nhà mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, có nhà mua cả ô tô…, nhưng tuyệt đối không nhà nào sắm máy giặt và bình nước nóng, bởi không có nước thì những đồ dùng trên có sắm cũng không dùng được.

Chỉ cách trung tâm huyện có vài ba cây số, nhưng nước sạch lại là một thứ “xa xỉ” đối với người dân ở thôn Bonnơr B và Đan Kia. UBND xã Lát cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Lạc Dương về việc xin bắc nước sạch cho hai thôn này. Mới đây nhất, cuối tháng 6/2011, UBND huyện Lạc Dương cũng đã tổ chức họp để yêu cầu công ty cổ phần Đại An (Nhà máy nước Đan Kia 2 đổi tên) hoàn trả lại mặt bằng đường lắp đặt ống nước (vấn đề này đã họp nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục).

Tại buổi họp, ông Phạm Triều - Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đã kết luận: huyện sẽ làm thủ tục đề nghị Công ty cấp nước Lâm Đồng và UBND tỉnh đầu tư lắp đặt đường ống để giải quyết việc cấp nước sạch cho hai thôn Bonnơr B và Đan Kia của xã Lát. Trong khi chờ đợi nguồn nước sạch về thôn, người dân ở đây vẫn phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh và luôn chịu cảnh “khát” nước, mặc dù sống ngay cạnh nhà máy nước. Ngay trước cổng UBND xã Lát là một bảng hiệu rất to về lợi ích của nước sạch, những người dân nơi đây ngày ngày vẫn nhìn thấy và chỉ tay nhau về một nguồn nước sạch xa xôi trên hình vẽ. Và không biết đến khi nào người dân hai thôn này mới được biết đến một nguồn nước mới?
 
HÀ LINH