(LĐ online) - Mặc dù đợt mưa lũ vừa qua ở Đạ tẻh và Cát Tiên không diễn biến phức tạp như các năm trước, thiệt hại về vật chất cũng không đáng kể (chưa đến 10 tỷ đồng) nhưng ngược lại có đến 2 người bị chết do mưa lũ gây ra.
Khi thi thể của nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi khi bơi qua sông Đạ Lây vào chiều tối ngày 10/9 là anh Đặng Văn Đoàn, 22 tuổi, ở thôn Ninh Trung, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên được lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tìm thấy, đã nâng tổng số người chết trong đợt lũ nhỏ vừa qua tại Lâm Đồng lên 2 người. Trước đó, bà Trần Thị Vân, 35 tuổi, ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cũng bị chết do nước cuốn trôi. Ngoài 2 trường hợp trên, còn một trường hợp khác là anh Nguyễn Đình Trung, 25 tuổi, ở huyện Đạ Tẻh bị chết do sét đánh.
Lũ bất thường
Theo nhận định của ông Mai Nam Dương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, mặc dù tình hình mưa lũ vừa qua không diễn biến phức tạp, chỉ gây ngập úng cục bộ một số khu vực nhưng chính quyền các huyện đã triển khai ngay các phương án phòng chống lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời vận động và tổ chức di dời tài sản và con người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lũ nhỏ nhưng đã có đến 3 người bị chết, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, không lơ là chủ quan ( Ảnh CTV Hoàng Giang). |
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tấn Hồng, ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, cơn lũ quét đợt rồi rất khác lạ, nước đổ về nhanh nhưng cũng rút rất nhanh khiến người dân rơi vào bị động. Anh kể: “Trong đợt lũ vừa qua ở nơi đây mưa không lớn, nhưng chẳng biết nước từ đâu đã nhanh chóng ập vào, khiến cả làng phải chạy… lụt. Chúng tôi đã không kịp thu dọn đồ đạc, chỉ vơ vội vài bộ quần áo rồi cuống cuồng chạy nhưng sau đó nước đã rút rất nhanh”.
Ông Ngô Văn Thùy, ở xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên cũng cho rằng, người dân sống trong vùng rốn lũ thì sẽ hiểu hơn ai hết về mức độ nguy hại do bão lũ gây ra: “Do vậy, nếu nói người dân thiếu kinh nghiệm, hoặc chủ quan trong công tác phòng chống lũ, dẫn đến thiệt hại tính mạng là chưa đủ. Còn có nguyên nhân khách quan khác là do “lượng nước lũ đã đổ về một cách bất thường và quá nhanh, khiến người dân trở tay không kịp. Nguyên nhân còn là do những cánh rừng phía đầu nguồn bị chặt phá nên khi có mưa lớn thì lượng nước đã đổ dồn về cùng một lúc tạo nên lũ quét nhanh và mạnh. Mọi năm nơi đây đều có lũ quét nhưng riêng năm nay là tôi thấy mạnh hơn cả”.
Tăng cường khả năng dự báo
Trả lời câu hỏi vì sao đợt lũ lần này không lớn nhưng trên địa bàn đã có đến 2 người bị chết do mưa lũ gây ra? Ông Nguyễn Mạnh Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng: “Đợt lũ về rồi mực nước không lớn, chỉ ngập úng cục bộ vài điểm dân cư do nước lũ quét tràn về. Trường hợp bị chết nước chỉ là sự cố là bất ngờ và do người dân chủ quan, đi lại trong vùng lũ giữa đêm tối chứ không phải do họ nằm trong vùng bị nước cô lập, hoặc đi lại kiếm sống mới xảy ra”.
Hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn 3 huyện phía Nam của Lâm Đồng đã rút, gần 200 hộ dân đã di dời đến nơi ở an toàn trước đó cũng đã quay về nhà. Chính quyền 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên đang tích cực khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định sinh hoạt và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Mai Nam Dương, nguy cơ tái lũ quét vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, riêng tại huyện Đạ Huoai hiện vẫn còn 80 hộ dân ở ven sông Đạ B’Sar, xã Đạ Ploa đang bị đe dọa tính mạng và tài sản bởi nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cần phải được xây dựng kế hoạch di dời khẩn cấp.
Cũng theo ông Mai Nam Dương, trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như rút kinh nghiệm từ những trường hợp bị thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua, người dân trong vùng lũ phải hết sức nâng cao cảnh giác, không được chủ quan và hạn chế đi lại trong vùng bị ngập, qua lại sông suối. Mặt khác, chính quyền địa phương các huyện cũng cần tăng cường hơn nữa khả năng cập nhật thông tin và công tác dự báo, có vậy mới giúp người dân trên địa bàn kịp thời lường trước những nguy cơ bất ngờ khi có bão lũ xảy ra.