Một số kinh nghiệm trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội

03:09, 06/09/2011

Các chính sách an sinh xã hội nói chung, giảm nghèo và bảo trợ xã hội nói riêng, thể hiện quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội, tác động ổn định chính trị; đồng thời góp phần tích cực vào phát triển KT-XH bền vững.

Các chính sách an sinh xã hội nói chung, giảm nghèo và bảo trợ xã hội nói riêng, thể hiện quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội, tác động ổn định chính trị; đồng thời góp phần tích cực vào phát triển KT-XH bền vững. Trong nhiều năm qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương đánh giá thực hiện tốt công tác này.
 
Khám chữa bệnh miễn phí cho dân tộc thiểu số xã Rô Men, Đam Rông
Khám chữa bệnh miễn phí cho dân tộc thiểu số xã Rô Men, Đam Rông

Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa IX khẳng định: Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, tập trung chỉ đạo công tác vận động quần chúng, phát huy dân chủ, huy động sức mạnh toàn dân để giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc của địa phương. Trong lĩnh vực giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bên cạnh việc triển khai tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa để mở rộng đối tượng được thụ hưởng trong các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề, chăm lo gia đình chính sách, những người già cả, neo đơn, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Lâm Đồng là một trong ba tỉnh của cả  nước vận dụng Nghị quyết 30a của Chính phủ cho các địa bàn ngoài huyện nghèo. Vì vậy, trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, ngoài huyện Đam Rông được Chính phủ đầu tư, tỉnh đã mở rộng thêm 16 xã, 94 thôn nghèo khác, đầu tư 116 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xây dựng hạ tầng cơ sở. Cùng với các chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc và chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn; các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo trên địa bàn, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 4,97% (tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010), riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,81% và huyện nghèo Đam Rông còn 26%. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đến hết năm 2010, Lâm Đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 100% số nhà ở cho hộ nghèo theo QĐ 167 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trong 5 năm qua, bằng nguồn vốn từ nhiều chương trình khác, địa phương cũng đã xây dựng trên 25.300 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng trị giá lên đến trên 320 tỷ đồng.

Trong hoạt động bảo trợ xã hội, ngoài việc thực hiện các chính sách bảo trợ cấp cộng đồng hoặc nuôi dưỡng tập trung cho hơn 12  ngàn người già neo đơn, người trên 85 tuổi, người tàn tật nặng hoặc có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, vận động các sở, ngành, địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp, tôn giáo… trợ giúp nuôi dưỡng, tìm giúp việc làm, chữa bệnh hiểm nghèo… cho hàng nghìn trường hợp. Việc tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, đến nay, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh.

Là cơ quan chủ trì tham mưu triển khai các chính sách về giảm nghèo, bảo trợ xã hội, ông Ngô Hữu  Hay – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết một số kinh nghiệm trong thực hiện công tác này như sau: Trước hết cần phải nghiên cứu, hiểu rõ chính sách để dự đoán, xác định được phạm vi bao phủ, số gia đình, cá nhân được thụ hưởng; lực lượng, thời gian triển khai và hình thức, giải pháp theo dõi kết quả thực hiện chính sách. Đối với các chính sách cần tham mưu tỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng thì cần phải chứng minh tác động của chính sách đối với việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH hàng năm của địa phương để làm căn cứ chứng minh sự cần thiết phải mở rộng, tính toán nguồn lực tài chính mở rộng. Phải phân tích chính sách, dự đoán các khó khăn, vướng mắc, biện pháp để hạn chế các sai sót khi triển khai thực hiện. Do nhiều chính sách địa phương mới ban hành, không có quy định, hướng dẫn của Trung ương nên phải kiên trì thuyết phục, chứng minh sự cần thiết, tác động của chính sách. Chủ động phối hợp, vận động các sở, ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt là cơ quan chức năng quản lý về tài chính, kế hoạch trong tham mưu và triển khai thực hiện. Trong chức năng được giao, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương để giám sát, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội.

HỒ LAN