Chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ là hai “nghề” có vị trí rất quan trọng trong đời sống cộng đồng người thiểu số Tây Nguyên nhưng hiện số nghệ nhân này lại rất hiếm ở Lâm Đồng.
Một nghệ nhân chỉnh chiêng của tỉnh Gia Lai. Ảnh Báo Gia Lai |
CHỈNH CHIÊNG – HIẾM
Điều đáng nói, hầu như các lớp truyền dạy cồng chiêng này chỉ là dạy truyền nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng chứ chưa có lớp truyền dạy nghề chỉnh chiêng. Trong thực tế, nghệ nhân chỉnh chiêng là người dân tộc thiểu số rất ít, có nơi chỉ có một nghệ nhân biết chỉnh chiêng “bao quát” đến vài buôn làng. Ngày trước, cả vùng xã Lát của huyện Lạc Dương chỉ có nghệ nhân Păngting Kar được xem là người chỉnh chiêng chuẩn nhất trong số vài nghệ nhân chỉnh chiêng (đếm trên đầu ngón tay) trong cả vùng. Ngày nghệ nhân Păngting Kar mất, cả cộng đồng người thiểu số dưới chân núi Langbian này mất đi “một đôi tai thính và một đôi tay khéo”.
Nghệ nhân K’Chung ở Tân Văn, huyện Lâm Hà tỏ ra bức xúc: “Giờ thì cả mấy làng mới có được một người biết “nghe được cái tiếng của Yàng” để “lên giây cho chiêng”. Còn lại, hầu như là những người chỉ biết đánh chiêng chứ không biết chỉnh chiêng”. Mà, đánh chiêng thì học là biết đánh. Còn chỉnh chiêng thì dẫu có học cũng chưa hẳn là biết chỉnh cho đúng với cái âm thanh của Yàng!”.
Cách nay cũng khá lâu, lần đầu tiên Bộ VH-TT-DL tổ chức một hoạt động thật ý nghĩa: Gặp gỡ nghệ nhân chỉnh chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên. Hơn 100 nghệ nhân chỉnh chiêng của khu vực Tây Nguyên đã có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cả trổ tài tại liên hoan đó. Tại cuộc hội ngộ những người chỉnh chiêng lần đầu tiên đó, nghệ nhân K’Chung của huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã làm những “đồng nghiệp” chỉnh chiêng ở các tỉnh khác tròn mắt thán phục bởi tài nghệ chỉ trong một thời gian ngắn làm “sống” dậy cả 6 chiếc chiêng trong bộ chiêng droòng của người Cơho và người Mạ ở Nam Tây Nguyên. Nghệ nhân K’Chung tỏ ra lo lắng: “Giờ, người ta chỉ dạy đánh chiêng chứ không có dạy chỉnh chiêng. Nay mai, người già chết đi, không biết lấy đâu ra người chỉnh chiêng để bà con đánh chiêng đây!”.
TẠC TƯỢNG – CÀNG HIẾM
Cũng như vậy, nghệ nhân tạc tượng gỗ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng ngày nay hầu như không còn. Già làng Krajan Plin khẳng định: “Ngày xưa, ông bà mình ở Nam Tây Nguyên này cũng có “nghề” tạc tượng thịnh hành lắm. Nhưng càng về sau, khi lớp người già mất đi, số lượng nghệ nhân tạc tượng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên hầu như không còn!”. Ý thức được vấn đề, già làng Krajan Plin đã tập hợp một nhóm anh em trong họ hàng lại để “truyền nghề” cho nhau với mong muốn lưu giữ một nét văn hóa khá độc đáo của người thiểu số Nam Tây Nguyên. Hơn thế, không chỉ tự chỉ bảo cho nhau về “nghề” tạc tượng mà đích thân già làng Krajan Plin cùng một vài anh em khác còn bỏ công sức và tiền của sang tận Đắc Lắc, Gia Lai… để “thọ giáo” những nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng ở đó.
Già làng Ya Bá (người dân tộc Churu ở Tà Năng, Đức Trọng) nói: “Với quan niệm của bà con mình thì khi bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia, nếu không có các tượng nhà mồ cùng những của cải và lễ bỏ mả thì cuộc sống mới đó của họ không thể thanh thản được”. Theo các nhà nghiên cứu, tượng nhà mồ chính là một loại hình nghệ thuật rất độc đáo nằm trong dòng chảy của nghệ thuật nguyên thủy. Thế nhưng, ngày nay, do tác động của điều kiện sống hiện đại và quan niệm sống hiện đại, “nghề” tạc tượng gỗ, tượng nhà mồ… của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên đã mai một gần như hoàn toàn. Cũng cần nói thêm, nhóm nghệ nhân tạc tượng là anh em bà con của già làng Krajan Plin hiện cũng đã tan rã sau khi “cánh chim đầu đàn” Plin vì điều kiện gia đình đã phải rời khỏi nơi ở cũ là xã Lát, huyện Lạc Dương cách nay hơn một năm. Và, cho đến lúc này, điều đáng quan tâm là trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hầu như cũng không có một nơi nào dạy nghề tạc tượng!
Được biết, tại một số tỉnh Tây Nguyên khác (như Gia Lai chẳng hạn), thời gian gần đây đã có một vài lớp dạy chỉnh chiêng và tạc tượng được mở ra theo một chương trình dự án trung ương. Có lẽ đã đến lúc Lâm Đồng nên tính đến vấn đề này!