Tái chế bã trà ở Lâm Đồng: chưa phát hiện cơ sở chế biến nào vi phạm

02:09, 08/09/2011

Nạn sản xuất trà bẩn ở các tỉnh phía bắc đang khiến dư luận lo ngại, thì mới đây, lại có thông tin cho rằng nạn tái chế bã trà ngay tại “vương quốc chè” Lâm Đồng tái diễn cũng dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ…

Vài tháng qua, nạn sản xuất trà bẩn đã xuất hiện tương đối phổ biến ở các tỉnh phía bắc khiến cho dư luận rất lo ngại. Mới đây, lại có thông tin cho rằng nạn tái chế bã trà làm cho chất lượng chè đen của Việt Nam ngay tại “vương quốc chè” Lâm Đồng tái diễn lại dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong giới tiêu dùng không chỉ trong nước.
 
Trên nương chè Bảo Lâm
Trên nương chè Bảo Lâm. Ảnh NGỌC MINH

Về vấn đề “tái chế bã trà”, ông Phạm Văn Án – GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng – ngày 8.9 cho biết: “Thông tin này như gáo nước lạnh dội vào ngành chè Lâm Đồng. Tôi cũng được biết, Hiệp hội Chè Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng phản ánh tình trạng trên; và ngay lập tức, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh như Chi cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại… cùng với các địa phương trong tỉnh (đặc biệt là với Bảo Lộc) kiểm tra các cơ sở sản xuất, thu mua, tiêu thụ trà trên địa bàn”.

Ông Đoàn Trọng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng GĐ Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng – xác nhận: “Thực ra, thông tin về “tái chế bã trà” ở Lâm Đồng đã được cảnh báo từ năm 2010. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã làm việc với đơn vị liên quan là Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương về vấn đề này”.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Đoàn Trọng Phương, trước những thông tin trên, Hiệp hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan khuyến cáo vấn đề. Bởi, không chỉ ngành chè Việt Nam hiện đang đối mặt với nạn “chè bẩn” ở một số tỉnh phía bắc mà còn phải đối mặt với dư luận cho rằng từ bã trà thải loại của Công ty Tân Hiệp Phát, một vài cơ sở chế biến trà ở Lâm Đồng (cụ thể là các cơ sở ở xã Lộc Tiến và Lộc Châu của TP Bảo Lộc) đã “tái chế” thành chè đen để tuồn ra thị trường”.

Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp sản xuất nước uống giải khát có trụ sở đóng tại tỉnh Bình Dương. Mỗi tháng, đơn vị này chế biến khoảng 1.500 tấn chè nguyên liệu để làm nước giải khát. Phần bã trà sau khi chế biến, Tân Hiệp Phát xuất bán cho nhiều đơn vị và cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Dương, trong đó có tỉnh Lâm Đồng.

Hầu hết các đơn vị thu mua bã trà của Tân Hiệp Phát đều sử dụng vào mục đích làm phân bón bón cho cây công nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Chè Việt Nam thì sản phẩm chè đen được nhập từ Lâm Đồng để xuất khẩu của họ đã bị “độn” bã trà đã qua chế biến nên chất lượng bị giảm sút nghiêm trọng.

GĐ Sở NN-PTNT Phạm Văn Án cho rằng: “Việc “tái chế” bã trà thu mua từ Tân Hiệp Phát thành chè đen để xuất khẩu của một số cơ sở sản xuất trà ở Bảo Lộc như dư luận phản ánh trong thời gian gần đây (và cả trước đây – năm 2010, như văn bản của Hiệp hội Chè Việt Nam) quả là chuyện không hình dung nổi. Bởi lẽ, với Lâm Đồng, nguyên liệu chè búp tươi để chế biến trà đôi khi sử dụng không triệt để thì việc gì phải “tái chế” bã trà đã qua chế biến của Tân Hiệp Phát!”. Ông Phạm Văn Án nhấn mạnh: “Theo tôi, vấn đề này không chỉ riêng nhằm vào mục đích kinh tế”.

Cơ quan chức năng còn cho biết, sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội Chè Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương và ngành hữu trách vào cuộc để kiểm tra. Song cho đến lúc này, vẫn chưa có đơn vị và cá nhân nào bị phát hiện là đã chế biến bã trà thành “chè đen” để tuồn vào các lô hàng xuất khẩu.

Cũng theo ông Án, Lâm Đồng là vùng nguyên liệu chè đứng thứ nhất trong cả nước với diện tích 24.000ha (trong đó, chè giống mới chất lượng cao chiếm gần 5.000ha) và sản lượng trà búp tươi đạt gần 200.000 tấn mỗi năm. Với “nguồn lực” dồi dào (chiếm khoảng 26% diện tích và sản lượng chè cả nước) như thế thì việc tái chế bã trà thành chè đen để xuất khẩu như phản ánh của Hiệp hội Chè Việt Nam quả là “gáo nước lạnh dội vào ngành chè Lâm Đồng” (theo cách nói của ông Phạm Văn Án). “Song, không vì thế mà chủ quan” – GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, ông Phạm Văn Án, phát biểu một cách cẩn trọng.

Khắc Dũng