Tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu

02:09, 28/09/2011

(LĐ online) - Đây là nội dung hội nghị diễn ra ngày 28/9 tại Đà Lạt, do Bộ Y tế tổ chức.

(LĐ online) - Đây là nội dung hội nghị diễn ra ngày 28/9 tại Đà Lạt, do Bộ Y tế tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, ở Việt Nam hiện có hơn 3.800 loài cây làm thuốc, sử dụng mỗi năm trên 50.000 tấn dược liệu.

Tính đến tháng 8/2011, cả nước có 322 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó 12 doanh nghiệp sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới).

Số đăng ký thuốc đông dược sản xuất trong nước là 2.283, chiếm 18,6%; doanh thu thuốc từ dược liệu hàng năm chiếm 10% tổng doanh thu thuốc sản xuất trong nước; giá trị thuốc xuất khẩu từ 40-45 triệu USD/năm…

Tại hội nghị, đại biểu trung ương và các địa phương tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay trên nhiều lĩnh vực. Đó là tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; cơ chế phối hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền và các đơn vị kiểm nghiệm. Tăng cường quản lý nguồn gốc xuất xứ dược liệu, thuốc từ dược liệu cung ứng. Công tác đấu thầu cung ứng dược liệu, thuốc từ dược liệu; phòng chống dược liệu, thuốc từ dược liệu giả, thuốc đông dược trộn tân dược, gian lận thương mại; nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu; …

Theo quyết định của Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền đến năm 2015: tuyến trung ương đạt 10%, tuyến tỉnh 15%, tuyến huyện 20% và xã 30%; năm 2020: trung ương đạt 15%, tỉnh 20%, huyện 25% và xã 40%.

Đến năm 2015, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.

M.Đ