Tết Độc Lập

02:09, 01/09/2011

Đối với người Việt Nam chúng ta, ngày 2/9 là Tết Độc Lập. Ngày này 66 năm trước (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: TL
Đối với người Việt Nam chúng ta, ngày 2/9 là Tết Độc Lập. Ngày này 66 năm trước (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng câu trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1). Sau khi giải thích ý nghĩa của câu trên, Người lại trích một câu từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(2). Như vậy, chúng ta có thể coi ngày 2/ 9 là Tết bình đẳng và tự do.

 
Quyền được sống, tự do, bình đẳng là những quyền tự nhiên, quyền được tạo hóa ban cho ( quyền trời cho) không ai có thể xâm phạm. Độc lập, bình đẳng, tự do là những quyền cơ bản nhất và thiêng liêng nhất; là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của chúng ta với tư cách là một dân tộc trong thế giới văn minh hiện đại. Các quyền độc lập, bình đẳng, tự do có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại với nhau.
   
Muốn có bình đẳng, tự do thì phải giành độc lập. Quyền độc lập trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta là quyền mà chúng ta cần phải giành lấy đầu tiên. Sau bao nhiêu năm máu đã đổ, bao nhiêu phen vùng dậy quật cường, khát vọng độc lập dân tộc đã trở thành hiện thực trên sắc thắm cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám. Độc lập chính là sự không phụ thuộc. Chúng ta đã và đang làm được điều này ngày càng nhiều hơn kể cả tư duy, lý giải định mệnh và hoạch định tương lai của dân tộc. Quyền độc lập chỉ thực sự đảm bảo khi chúng ta không bị phụ thuộc không chỉ vật chất mà còn về tinh thần. Chính vì vậy, từ trước đến nay, trong các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển” (VKĐH XI của Đảng)
   
Quyền tiếp theo rất quan trọng là quyền bình đẳng. Nói bình đẳng là nói đến sự đối xử ngang bằng như nhau trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Nếu tự do thúc đẩy sự phát triển thì bình đẳng làm cho sự phát triển đó bền vững hơn. Đương nhiên, bảo đảm bình đẳng cũng như bảo đảm động lực của cá nhân lại là một phép cân đối không dễ dàng. Thực tế cho thấy không có một sự giàu có nào lại có thể an toàn trên cái nền nghèo khổ của các cộng đồng dân cư. Nói đến điều này, càng thấm thía câu nói của Bác Hồ với các nhà báo nước ngoài tháng 1- 1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Bình đẳng, xét trên nguyên tắc, nền kinh tế phát triển thì cái sự khá hơn phải đến với rất nhiều người, nếu không muốn nói là phải đến được với tất cả mọi người. Điều này càng nhắc nhở chúng ta tiếp tục thực hiện việc “ xóa đói giảm nghèo” mà chúng ta đã và đang làm có kết quả, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn.

Có lẽ cũng cần hiểu đầy đủ hơn về bình đẳng. Lâu nay vẫn còn có người nhận thức rằng bình đẳng là bình quân, chia đều của cải. Thực ra ý nghĩa thực tiễn của bình đẳng là chia đều cơ hội. Để tận dụng được cơ hội lại đòi hỏi phải có năng lực về thể chất và trí tuệ. Không phải ai cũng nắm được cơ hội và ai cũng biết cách ứng xử với cơ hội. Các nhà tư tưởng lớn đã đúc kết: “ Người tầm thường ngồi chờ cơ hội. Người ưu tú nắm bắt cơ hội. Người nhạy bén tạo ra cơ hội” (Vương Trung Quân).
   
Trong cơ hội đâu chỉ có những hưởng thụ mà còn cả việc tạo cho mọi người được cống hiến. Để chấn hưng đất nước, Đảng ta luôn chỉ đạo quan tâm đến nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực thì cần ưu tiên cho giáo dục và y tế. Đây là điều quan trọng cho việc thực hiện bình đẳng.
   
Quyền thứ ba được đề cập đến là quyền tự do. Tự do chính là quyền lựa chọn. Trong kháng chiến, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ta biết trước sự lựa chọn mang đầy định mệnh nhưng họ vẫn tự nguyện “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Những người con ưu tú của đất nước đã chọn sự hy sinh chính là bảo đảm rằng quyền lựa chọn của dân tộc ta là không thể  bị tước bỏ. Bởi lẽ, tự do của một dân tộc được hợp thành tự do của mỗi công dân. Không thể có một dân tộc tự do mà những công dân của dân tộc đó lại không có được quyền tự do. Xin hãy tri ân đối với những người có công với đất nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược để hôm nay chúng ta có Tết Độc Lập.
   
Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn – Các lãnh tụ cách mạng tiền bối vẫn thường khuyên nhủ như vậy. Các quyền độc lập, quyền bình đẳng, quyền tự do không phải chỉ giành được một lần là sẽ có đủ cho cả đời người mà phải luôn phấn đấu để giữ gìn, phát triển các quyền ấy, và để xứng đáng với các quyền đó. Ngày 2/ 9 mỗi năm nhắc nhở chúng ta về điều hệ trọng nói trên.
   
Đón Tết Độc Lập, chúng ta lại được nghe giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn vang vọng đâu đây: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để  giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(4).

(1) (2) (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG,H. 2002, T3, tr.555,557.
(3) Sđd, T4, tr.161
Khuất Minh Phương