Thay đổi lối sống phòng bệnh tăng huyết áp

03:09, 15/09/2011

Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan trong cơ thể và gây các biến chứng nguy hiểm.

Đo huyết áp (ảnh minh họa). Nguồn Internet
Đo huyết áp (ảnh minh họa). Nguồn Internet
Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan trong cơ thể và gây các biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận…thậm chí dẫn đến tử vong. Cần phải áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống giúp phòng ngừa tăng huyết áp ở người trưởng thành.

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu >=140 mmHg và huyết áp tâm trương >=90mmHg. Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (THA thứ phát). Các nguyên nhân gây THA thứ phát như: Bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, bệnh lý tuyến giáp, tuyến yên, hẹp eo động mạch chủ, nhiễm độc thai nghén, ngừng thở khi ngủ, yếu tố tâm thần, do thuốc (kháng viêm non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid…). Các yếu tố nguy cơ tim mạch như: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tuổi (nam >55 tuổi, nữ >65 tuổi), tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm (nam trước 55, nữ trước 65 tuổi); thừa cân, béo phì, béo bụng; hút thuốc lá, thuốc lào; uống nhiều rượu, bia; ít hoạt động thể lực, stress và căng thẳng tâm lý, chế độ ăn quá nhiều muối, ít rau quả…

Biến chứng của THA hoặc tổn thương cơ quan trong cơ thể do THA bao gồm: Đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh; phì đại thất, suy tim; nhồi máu cơ tim, cơ đau thắt ngực; bệnh mạch máu ngoại vi; xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị; suy thận… Theo WHO, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu liên quan đến tử vong toàn cầu  với tỉ lệ 12,7%, trong khi đó do sử dụng thuốc lá 8,7% và đái tháo đường 5,8%. Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Tỉ lệ tăng huyết áp của người dân từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm trên 25%.

Tích cực thay đổi lối sống áp dụng cho mọi người để ngăn ngừa tiến triển và giảm được số đo huyết áp, giảm số thuốc cần dùng. Nhưng do việc tuân thủ thay đổi lối sống thường kém, nên bác sĩ cần theo dõi sát để khuyến khích bệnh nhân và bắt đầu dùng thuốc khi cần. Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Giảm mặn (<6gram muối/ngày); ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và các thực phẩm ít chất béo; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no; tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì trọng lượng cơ thể bình thường (BMI 18,5-22,9), cố gắng duy trì vòng bụng <90cm ở nam và <80cm ở nữ. Hạn chế rượu bia: <3 cốc/ngày (nam), <2 cốc/ngày (nữ), cốc tiêu chuẩn ở đây tương đương với 330ml bia, hoặc 120 ml rượu vang, hoặc 30 ml rượu mạnh. Bỏ hẳn thuốc lá hoặc thuốc lào. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng, hoặc vận động mức độ vừa phải (30-60 phút hàng ngày). Tránh căng thẳng thần kinh, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột.

Tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng vì vậy cần tư vấn tốt, để bệnh nhân tích cực thay đổi lối sống, vừa điều trị đúng, điều trị đều theo hướng dẫn của thầy thuốc.
 
DIỆU HIỀN