Thực hiện công tác dân vận trong đền bù giải phóng mặt bằng ở thành phố Đà Lạt

03:09, 22/09/2011

Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư được Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Lạt đặc biệt chú trọng.

Để xứng đáng với tầm vóc của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh và là trung tâm CT-KT-VH của tỉnh, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH, thành phố Đà Lạt còn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư… Vì vậy, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư được Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Lạt đặc biệt chú trọng.

Muốn người dân có đất bị thu hồi hiểu, đồng thuận về chủ trương và hợp tác thực hiện đúng theo các quy định hiện hành trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng chuyên môn của chính quyền cùng hệ thống chính trị các cấp của địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền vận động của các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, thấu tình, đạt lý và phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Ông Trần Đình Văn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Qua thực tế triển khai công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư tại địa phương, UBND thành phố đã rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Trước hết, trong công tác tuyên truyền, vận động phải có sự chuẩn bị kỹ về nội dung cho từng dự án, từng khu quy hoạch cụ thể (các chủ trương, chính sách, mục đích dự án…). Cần có sự thống nhất trong việc giải thích, vận động từ tỉnh, thành phố đến phường, xã về cơ chế chính sách bồi thường.

Đặc biệt, đối với các chủ trương lớn liên quan đến chính sách, giá cả bồi thường, giá giao đất tái định cư, nguyên tắc, đối tượng được bố trí tái định cư, tính chất của dự án thuộc Nhà nước thực hiện công tác bồi thường GPMB hoặc nhà đầu tư phải tự thỏa thuận…  phải tuyên truyền sâu rộng đến tổ dân phố, khu phố, thôn nơi có đất bị thu hồi và các đối tượng bị thu hồi đất để cho các đối tượng nắm bắt và hiểu được những quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, vận động cần phải chọn lọc, từ các đối tượng nòng cốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư đến mở rộng. Phương pháp vận động phải kiên trì, liên tục, mềm dẻo và tăng cấp vận động nếu cần thiết  và phải đạt cho được mục tiêu vận động. Tạo nhân tố ủng hộ dự án và đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện công tác bồi thường phải tổ chức họp dân công khai quy hoạch, các chế độ, chủ trương, chính sách của nhà nước, niêm yết công khai các văn bản có liên quan đến dự án tại khu phố, thôn và UBND phường, xã để người dân trong vùng bị thu hồi đất tham khảo.

Công tác đo đạc, kiểm định thực tế tại hiện trường phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, công bằng của từng hồ sơ, có sự tham gia của đại diện hộ dân. Khi tính toán bồi thường hỗ trợ phải tính đủ các chế độ chính sách. Đặc biệt, khi tiếp xúc trực tiếp với người bị thu hồi đất phải quán triệt cán bộ thực hiện nhiệm vụ tôn trọng người dân có đất bị thu hồi, không quan liêu, sách nhiễu gây phiền hà, không lạm dụng nhiệm vụ để thực hiện móc ngoặc hoặc thực hiện vụ lợi cá nhân. Khi thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư phải chủ động nguồn kinh phí để kịp thời chi trả cho từng dự án, từng giai đoạn thực hiện và đến các trường hợp phát sinh khi hoàn thành dự án.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Trần Đình Văn cũng cho biết để thực hiện tốt công tác bồi thường hỗ trợ GPMB và tái định cư cần phải chỉ định giao nhiệm vụ hoặc thành lập bộ phận vận động tuyên truyền của hệ thống chính trị liên quan đến từng dự án.

Bộ phận tuyên truyền vận động phải độc lập với cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường GPMB và phải thực hiện tuyên truyền, vận động ngay sau khi có chủ trương thu hồi đất. Điều tra, thu thập thông tin cơ bản về cuộc sống của người bị thu hồi đất trước và sau khi bị thu hồi đất như: Điều kiện nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập, điều kiện học tập của con cháu và các điều kiện phúc lợi xã hội khác… Qua đó có sự so sánh về tình hình đời sống trước và sau khi bị thu hồi đất để đề xuất giải quyết những bất cập trong công tác bồi thường GPMB và làm tư liệu thực tế để thực hiện công tác dân vận của chính quyền, đồng thời tham mưu những chế độ chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.

Đặc biệt, phải luôn sẵn sàng tổ chức đối thoại trực tiếp với người bị thu hồi đất trong vùng dự án khi có yêu cầu để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh và đề xuất giải quyết các chính sách chưa phù hợp thực tế trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

HỒ LAN