Thực hiện Quyết định 40/2011/QĐ -TTG: “Tuyên truyền rộng rãi để Thanh niên xung phong hiểu và sớm làm thủ tục hưởng chế độ”

03:09, 22/09/2011

Phỏng vấn nhanh đồng chí Phạm Thị Phúc – Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng xung quanh việc thực hiện chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ 15/7/1950 – 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương theo quy định mới của Chính phủ.

Ngày 1/10/2011, Thanh niên xung phong (TNXP) tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 – 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng theo quy định mới nhất của Chính phủ. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn nhanh đồng chí Phạm Thị Phúc – Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng xung quanh nội dung mới này.
   
PV: Thưa đồng chí, Quyết định 40 của Chính phủ quy định cụ thể nhiều chế độ ưu đãi dành cho TNXP; vậy, việc thực hiện theo QĐ này có gì mới so với trước đây?

Đ/c Phạm Thị Phúc:
Từ trước đến nay, về cơ bản, các chế độ của các cựu TNXP do chúng tôi tiếp nhận hồ sơ đều thực hiện khá thuận lợi. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 TNXP, trong đó TNXP giai đoạn trước 1975 khoảng hơn 1.200 người và sau 1975 có khoảng gần 1.000 người. Số đối tượng TNXP được hưởng trợ cấp một lần là 659 người, hưởng trợ cấp hàng tháng khoảng 173 người và 49 người là hưởng chế độ trợ cấp như thương binh. 

Đối với Quyết định mới nhất của Chính phủ, QĐ 40 có quy định đối tượng và chế độ cụ thể hơn và có nhiều đổi mới. Đây là một chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước dành cho các cựu TNXP- những người đã chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, mất mát trong chiến tranh. Những đối tượng TNXP tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ 15/7/1950 – 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì thuộc diện được hưởng chế độ này. TNXP được hưởng trợ cấp một lần từ đủ 2 năm trở xuống với mức 2,5 triệu đồng. Trên 2 năm thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. TNXP đã từ trần thì vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được hưởng trợ cấp một lần 3,6 triệu đồng. Chế độ trợ cấp hàng tháng được áp dụng đối với TNXP không còn khả năng lao động, sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được hưởng trợ cấp hàng tháng  360.000 đồng. Đối tượng được xét hưởng trợ cấp hàng tháng thì không được hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ cấp trên nên việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chuyển Sở LĐ - TB & XH chi trả cho các đối tượng có thể sẽ bị chậm lại so với dự kiến. Việc tăng cường, mở rộng tuyên truyền để các đối tượng TNXP hiểu về chính sách mới và sớm làm thủ tục hồ sơ hưởng chế độ là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.

PV: Ngoài những chính sách ưu đãi nhất định nêu trên, Chính phủ còn tạo điều kiện từ nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội để cho TNXP được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, vậy đồng chí có suy nghĩ gì về ưu đãi này?

Đ/c Phạm Thị Phúc: Theo tôi, đây là một chính sách ưu đãi rất kịp thời, khiến cho đa số cựu TNXP thêm phấn khởi, bởi những ưu đãi trước đây chỉ mang tính giải quyết khó khăn trước mắt, còn bây giờ sẽ là một giải pháp lâu dài, tạo điều kiện về vốn để các cựu TNXP có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống lâu dài về sau.Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều mà các cựu TNXP băn khăn, kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Nhà nước hiện nay, đó là đông đảo các cựu TNXP đều có nguyện vọng tha thiết được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước để thuận lợi trong quá trình khám chữa bệnh, nhất là đối tượng cựu TNXP hiện nay đa số đã lớn tuổi và nhu cầu khám sức khỏe thực sự cần thiết, tôi nghĩ đó cũng là một nguyện vọng rất chính đáng mà các cấp nên xem xét để trình các bộ, ban, ngành. 

PV: Tình trạng giả mạo giấy tờ để làm hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ TNXP đã diễn ra ở Lâm Đồng tuy không nhiều, để hạn chế tối đa tình trạng này, đồng chí có giải pháp khắc phục như thế nào?

Đ/c Phạm Thị Phúc: Đúng là tại Lâm Đồng cũng có hiện tượng này xảy ra, tuy nhiên không nhiều và đa số rơi vào các đối tượng chuyển từ Bắc vào nên rất khó kiểm soát. Có trường hợp giả mạo cả giấy chứng nhận và kỷ niệm chương TNXP là vô cùng tinh vi, phức tạp. Tại QĐ số 40 lần này cũng quy định rất rõ về hành vi vi phạm nếu có và sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi, việc phát hiện, tố giác cũng cần được phát huy trong cộng đồng. Đặc biệt cần tuyên truyền công khai rộng rãi để răn đe những đối tượng khác và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các TNXP khác, không làm mất đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” của dân tộc dành cho thế hệ các cựu TNXP một thời hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyệt Thu (thực hiện)