Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn

02:09, 04/09/2011

Chất lượng giáo dục đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu  tố hàng đầu mang tính quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.

Chất lượng giáo dục đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu  tố hàng đầu mang tính quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Căn cứ theo các quy định về chuẩn hiệu trưởng trên, trong 2 năm qua, công tác đánh giá HT các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp. Ngành GD Lâm Đồng căn cứ vào kết quả đánh giá này để xây dựng nội dung đào tạo bồi dưỡng với mục tiêu từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường  cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQL GD) nói chung và cho HT nói riêng.

Để xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý ngày càng nâng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển GD trong giai đoạn mới, trong nhiều năm nay Ngành GD Lâm Đồng đã chú trọng bồi dưỡng các CBQL GD theo hướng chuẩn hóa, đặc biệt là cho các HT các trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Một trong những định hướng mà ngành GD Lâm Đồng hướng đến là các quy định theo chuẩn HT (căn cứ vào Thông tư 29 năm 2009 của Bộ GD - ĐT ).
 
Ký kết liên tịch giữa Sở GD - ĐT Lâm Đồng và  Công an Lâm Đồng về phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh -  sinh viên
Ký kết liên tịch giữa Sở GD - ĐT Lâm Đồng và Công an Lâm Đồng về phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh - sinh viên

Qua các đợt khảo sát cho thấy, để đáp ứng theo chuẩn này, không ít các HT hiện nay vẫn còn hạn chế về  chuẩn "năng lực quản lý nhà trường”, cụ thể là  các tiêu chí về năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin; năng lực phân tích và dự báo; tầm nhìn chiến lược; xây dựng hệ thống thông tin; quyết đoán; bản lĩnh đổi mới... Chính vì vậy, bồi dưỡng "Năng lực quản lý nhà trường” được ngành GD Lâm Đồng chọn là một trong những nội dung chính  trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ CBQL GD Lâm Đồng cho giai đoạn 2010 – 2015.

Trong năm 2010 vừa qua, ngành GD Lâm Đồng đã mời giảng viên của Học viện Quản lý Giáo dục mở lớp bồi dưỡng cho toàn bộ HT các trường THCS, THPT trong tỉnh theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore. Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo 4 lớp Thạc sĩ Quản lý Giáo dục cho 97 học viên (trong đó có 24 HT, 36 Phó HT, 16 CBQL thuộc Sở, Phòng GD-ĐT và 9 giáo viên cốt cán). Ngành đã phối hợp với Trường Bồi dưỡng CBQL GD thành phố Hồ Chí Minh mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề như kiểm định chất lượng; quản lý tài chính trường học; quản lý tổ chuyên môn cho hơn 300 CBQL trong tỉnh. 

Để nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin cho HT, ngành đã chủ động phối hợp với Chương trình Giáo dục Intel tổ chức lớp bồi dưỡng về xây dựng hệ thống thông tin cho 60 HT các trường THPT, THCS. Nhiều người sau khóa học đã  tự xây dựng được hệ thống thông tin cho đơn vị mình.

Việc tự học tập rèn luyện nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo của các HT cũng được Sở GD ĐT Lâm Đồng khuyến khích. Ngay đầu năm học, Sở yêu cầu các HT phải xây dựng kế hoạch cá nhân, có đối chiếu, so sánh với các tiêu chí của chuẩn HT, trong đó phải xác định các tiêu chí nào cần phấn đấu, (chẳng hạn trong  thời gian xác định phải có các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ). Ngành cũng phát động phong trào mỗi CBQL phải có một sáng kiến về đổi mới quản lý, các sáng kiến này được tập hợp về Sở để Hội đồng Khoa học của Sở thẩm định. Hoạt động này gắn liền với việc bình xét thi đua cá nhân CBQL. Ngành cũng xây dựng các quy định bắt buộc CBQL phải tham gia các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức, tăng cường kỹ năng. Việc tuyển chọn cử cán bộ tham gia đào tạo cần phải đúng đối tượng, đúng nội dung của các khóa đào tạo, lĩnh vực chuyên môn cần thiết.

Theo Phòng Tổ chức - Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đây là lần đầu tiên Lâm Đồng triển khai đánh giá HT theo chuẩn thống nhất với hệ thống các tiêu chí tương đối cụ thể , tuân theo quy trình khá chặt chẽ. Chính vì vậy việc quán triệt về nhận thức lẫn biện pháp thực hiện các yêu cầu của hoạt động đánh giá HT phải được đặt lên hàng đầu. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, là căn cứ để Sở GD-ĐT thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ. Thực tế cho thấy, nếu đánh giá đúng,  bố trí, sử dụng đúng; đánh giá sai  sẽ bố trí, sử dụng sai và thậm chí có thể gây ra những tâm tư, thắc mắc, mất đoàn kết trong nội bộ đơn vị.
 
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT, việc tự đánh giá theo chuẩn của một số HT đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là ý thức trách nhiệm chưa cao, đánh giá chưa chính xác và toàn diện, hồ sơ minh chứng còn sơ sài. Việc tạo môi trường thuận lợi cho lực lượng tham gia đánh giá HT (cán bộ, giáo viên, nhân viên) còn chưa được chú trọng. Cùng đó, dù đã có chuẩn HT nhưng khi triển khai một số đơn vị chưa bám vào tiêu chuẩn, tiêu chí, không dựa vào hiệu quả công việc nên dẫn đến việc đánh giá, cho điểm, xếp loại còn hình thức, dĩ hòa vi quý.

Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, Ngành GD Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo và CBQL GD về tầm quan trọng của công tác đánh giá HT theo chuẩn hiệu trưởng; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ HT và chuyên môn nghiệp vụ cho chuyên viên làm công tác, đánh giá HT các trường THPT. Cùng đó, Sở sẽ chú trọng đến việc lập kế hoạch hoạt động đánh giá chất lượng đội ngũ HT hằng năm, tuân thủ đúng theo quy trình kiểm tra, đánh giá. Trong quá trình đánh giá HT, ngành chú trọng phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Và cuối cùng, công tác đánh giá HT sẽ được thực hiện một cách đồng bộ với toàn bộ các khâu khác của công tác cán bộ: Quy hoạch, luân chuyển, miễn nhiệm, bổ nhiệm, khen thưởng.


Quang Long - Viết Trọng