Bảo hiểm Y tế đối tượng cận nghèo rất thấp

09:10, 23/10/2011

(LĐ online) - Đối tượng hộ gia đình cận nghèo (GĐCN) tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ 50% tiền đóng, nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có 841/93.580 người tham gia.

(LĐ online) - Đối tượng hộ gia đình cận nghèo (GĐCN) tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ 50% tiền đóng, nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có 841/93.580 người tham gia. Tính cả đối tượng tham gia BHYT được hưởng 100% như trẻ em dưới 6 tuổi, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vùng khó khăn cũng mới chỉ đạt 0,9%.   

KHÓ KHĂN TRIỂN KHAI

Không ít bệnh nhân BHYT còn phải trả viện phí hơn 50% do trái tuyến
Không ít bệnh nhân BHYT còn phải trả viện phí hơn 50% do trái tuyến
Theo quy định, mức đóng BHYT là 4,5% của mức lương tối thiểu. Nhưng, do đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm đóng 224 ngàn đồng/người vẫn là khá cao. Nếu tính bình quân hộ có 4 người thì mỗi hộ phải đóng gần 900 ngàn đồng/năm. Số tiền này hiện hầu hết các địa phương thu một lần vào đầu năm nên càng khó cho người dân. Mặt khác, khi khám và điều trị, bệnh nhân BHYT còn phải thanh toán 20% viện phí theo quy định. Điều này càng thêm khó khăn đối với bệnh nhân trong bối cảnh còn phải chi các khoản ăn uống đắt đỏ những ngày điều trị tại cơ sở y tế.

BHYT là một chủ trương nhân văn, nhằm chia sẻ rủi ro, theo đó góp phần thiết thực trong chính sách an sinh xã hội. Theo phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng Ngô Hữu Hay, nếu BHYT mang tính chất mua-bán; chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt; thiếu sự tư vấn và phục vụ tận tâm với người bệnh thì người dân sẽ không mặn mà tham gia. Mặt khác, việc tuyên truyền về BHYT, đặc biệt là đối tượng hộ GĐCN chưa đạt hiệu quả cao. Ông Đậu Tú Lan- Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Việc rà soát, lập danh sách người thuộc hộ GĐCN được UBND huyện, thành phố phê duyệt cung cấp cho cơ quan BHXH hàng năm còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tổ chức tuyên truyền vận động tham gia BHYT”.

CÓ CÁCH NÀO ĐỂ TĂNG SỐ LƯỢNG?

Hiện, một số tỉnh, thành thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Nếu Lâm Đồng hỗ trợ thêm từ 20-30% mức đóng BHYT trong số 50% kinh phí hộ GĐCN tham gia phải đóng sẽ tạo điều kiện rất tốt cho người dân. Làm một phép tính ví dụ: trong số 93.580 người đã có 50% tham gia BHYT theo chính sách trẻ em dưới 6 tuổi hoặc đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn… thì còn lại 46.790 người. Sau khi được địa phương hỗ trợ 30% kinh phí, cùng việc tuyên truyền hiệu quả sẽ có 30% trong số này tham gia, khoảng 14 ngàn người. Theo đó, người dân chỉ đóng 20% của số tiền 112 ngàn, hơn 22 ngàn đồng/năm/người và số ngân sách địa phương hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng/năm. Kết quả, số hộ GĐCN trong toàn tỉnh tham gia BHYT đạt lên đến 65%.
 

Từ năm 2009, nhà nước cho phép từng người trong hộ GĐCN tham gia BHYT chứ không bắt buộc cả hộ phải mua. Nghĩa là trước đây “bán sỉ” còn bây giờ là “bán lẻ” theo cách ví của ông Ngô Hữu Hay. Đây là một thuận lợi cho đối tượng hộ GĐCN tham gia. Tất nhiên, nếu cả hộ tham gia thì được nhà nước giảm dần theo các mức: người thứ nhất đóng 100% (224 ngàn đồng), từ người thứ 2 đến người thứ 4 mức đóng giảm dần so với người thứ nhất 90%, 80%, 70% và từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 60%. Theo đó, nếu vận động được nhiều hộ cùng tham gia BHYT và đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ của địa phương nói trên thì tổng mức hỗ trợ giảm xuống khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Và nếu địa phương chỉ hỗ trợ cho 20% hộ GĐCN thì tổng mức ngân sách hỗ trợ theo đó chỉ khoảng 1,1 tỷ đồng/năm. Số kinh phí này, cũng có thể kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm thì việc tăng số lượng hộ GĐCN tham gia BHXH là khả thi.

Một hướng giải quyết nữa, nếu địa phương hoặc các tổ chức từ thiện hỗ trợ 20% tiền viện phí còn lại cho đối tượng bệnh nhân hộ GĐCN phải chi trả thì càng khích lệ, động viên họ tham gia BHYT. Mặt khác, với những bệnh hiểm nghèo hoặc chi phí cao, ngành BYHT cần phải tuyên truyền tích cực để người dân có được nhận thức đầy đủ và không ỷ lại.

Một yếu tố hết sức quan trọng là sự tận tâm và chất lượng phục vụ của ngành y tế trong việc tư vấn, khám và chữa bệnh cho bệnh nhận BHYT. Phục vụ gây phiền hà, chất lượng điều trị thấp còn xảy ra không ít ở nơi này nơi kia. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân không chỉ phải chi trả 20% viện phí theo quy định, mà còn phải chịu 50% tổng kinh phí viện phí vì lý do trái tuyến. Ngoài nguyện vọng của bệnh nhân, lý do chính là từ cơ sở y tế tuyến huyện. Ở đây, hoặc chất lượng điều trị không đảm bảo, hoặc sự khó dễ hay thiếu tận tâm tư vấn từ phía những người phục vụ.  

Theo quy định, người tham gia BHYT được đóng 2 đợt trong năm, nhưng hiện hầu hết các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện thu một lần vào đầu năm. Nếu các địa phương thực hiện theo quy định này thì người dân đã giảm được thêm phần khó khăn nữa.

BHYT GÓP PHẦN XOÁ NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Giám đốc Ngô Hữu Hay đề nghị, nên xét hộ GĐCN và cấp thẻ trong thời hạn 5 năm một lần, đặc biệt đối với nhóm nghèo nhất (khoảng 20%). Việc cấp ngay từ đợt đầu trong một giai đoạn, vừa ổn định an sinh xã hội, vừa xoá nghèo mới bền vững. Có thể hiểu, đây là chính sách an dân mang tính lâu dài. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, hai vấn đề luôn làm họ bận tâm là giáo dục và y tế. Khi làm tốt điều này thì người dân không còn tâm trạng phấp phỏng hàng năm chờ có BHYT. Và lúc đấy, sẽ không còn ý thức ỷ lại mà yên tâm chăm lo xây dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
 
Tỉnh Lâm Đồng hiện là một trong số ít địa phương của cả nước triển khai hiệu quả chủ trương hộ đăng ký thoát nghèo. Theo đó, hộ nào đăng ký thì được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0. Ông Hay cho biết, với chính sách hỗ trợ xã đăng ký thoát nghèo, năm 2009 có 16 xã, tổng kinh phí 48 tỷ đồng (3 tỷ/xã), năm 2010 mỗi xã thêm 1 tỷ (16 tỷ) và năm 2011 hỗ trợ 18 tỷ. Nếu làm tốt chính sách này cũng tránh được tính ỷ lại của xã. Chính BHYT là một trong những yếu tố ban đầu trợ giúp người dân đăng ký. Vấn đề là khâu tuyên truyền, vận động để người dân quyết tâm thực hiện trong sự giúp sức của nhà  nước. 
 
Khi các giải pháp nói trên được thực hiện hiệu quả, số hộ GĐCN tham gia BHYT trong tỉnh sẽ nâng lên 55%-65%. Đây không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà thực tế đời sống an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt. Người dân được tăng cường về sức khoẻ và tin tưởng về những chính sách ưu việt của nhà nước. Hộ nghèo, cận nghèo hình thành ý thức tự chủ, phấn chấn trong lao động sản xuất. Theo đó, đưa lại những hiệu quả kinh tế tích cực trong cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ. BHYT cho hộ GĐCN thực sự góp phần to lớn trong xác lập nền tảng của việc xoá nghèo bền vững. 

Minh Đạo