Buồn, vui “nghề” tuyên truyền dân số

03:10, 05/10/2011

Bị xua đuổi, thậm chí còn bị chửi bới và đêm hôm phải đi lại nhiều lần! Đó là khó khăn mà người làm công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) luôn phải đối mặt.

Bị xua đuổi, thậm chí còn bị chửi bới và đêm hôm phải đi lại nhiều lần! Đó là khó khăn mà người làm công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) luôn phải đối mặt. Đổi lại, họ tìm được niềm vui trong công việc, khi làm tròn trọng trách, góp phần làm giảm tỷ lệ tăng DS tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình.
 
Khám và tư vấn sinh sản KHHGĐ tại huyện Đam Rông
Khám và tư vấn sinh sản KHHGĐ tại huyện Đam Rông

Họ thường tự gọi “nghề” chuyên trách và cộng tác viên DS của mình là cái nghề “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bởi lẽ, tiền phụ cấp không đủ tiền xăng xe, nhưng một khi đã làm thì phải yêu, phải nhiệt huyết và có một chút gì đó “hy sinh” thì mới làm được. Họ là những người thường có mặt ở những gia đình đông con hoặc sinh con “một bề” để thuyết phục, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa. Chị Vũ Thị Hiền - cán bộ chuyên trách DS xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), là một trong số đó. Đã 5 năm gắn bó với nghề, chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, dẫu rằng trong 10 lần đi vận động đình sản, chỉ có 2 - 3 lần thành công. Chị Hiền tâm sự: “Công tác vận động đình sản thường gặp nhiều khó khăn, nhất là những gia đình sinh con một bề. Không ít người còn quan niệm là phải sinh cho được con trai mới thôi!...”.

Thất bại là “chuyện thường ngày”, lắm khi còn gặp phải những “tai nạn” nghề nghiệp. Chị Nguyễn Thị Khánh Lâm - cán bộ DS phường B’Lao, kể lại: “Có lần tôi vận động được một phụ nữ đi đình sản. Quá trình vận động khó khăn đã đành, đến khi đình sản được một thời gian thì chẳng hiểu sao chị ấy lại có thai. Thế là từ đó đến nay, tôi không tài nào vận động được chị em ở địa bàn đó”. Nhiều lần, khi chị Lâm tiếp cận với các gia đình đông con, chưa nghe chị giải thích họ đã chửi như “tát nước vào mặt”, nào là “tôi đẻ tôi nuôi”, nào là “chị có phải cho tôi đồng bạc nào để nuôi con đâu mà lo!...

Bất kể lúc nào, hễ khi nào gia chủ ở nhà là những cán bộ DS có mặt. Thông thường, chỉ ở những vùng xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn, người dân thiếu điều kiện tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ thì mới cần sự có mặt của những tuyên truyền viên DS. Chị Nghiêm Xuân Hương - chuyên trách công tác DS phường 2, kể: “Thời gian tôi đi vận động chủ yếu vào buổi tối. Trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên DS của phường phần lớn đã lớn tuổi, đi lại đêm hôm cũng khó khăn. Có cô đi tuyên truyền DS ban đêm đã 2, 3 lần bị chó cắn. Nhiều khi đến, chủ nhà không muốn tiếp!”.

Hiện tại, do đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS ở các xã, phường còn quá thiếu, nên việc triển khai công tác chuyên môn gặp khó khăn. Dù phải bỏ nhiều công sức và thời gian nhưng lương bổng, phụ cấp thì chẳng được là bao. Trung bình, một cộng tác viên DS ở cơ sở được phụ cấp 140 ngàn đồng/tháng (bao gồm cả tiền thù lao và xăng xe). Vì thế, phần lớn cộng tác viên DS là những cán bộ phong trào kiêm nhiệm. Cũng có người vừa đi phụ hồ vừa làm cộng tác viên DS, nhưng thù lao quá thấp nên họ đã bỏ việc.

Tâm sự về công việc của mình, các chị Hiền, Lâm và Hương đều bảo rằng, không biết cái “duyên” với “nghề” còn được đến lúc nào. Họ đều là những người còn rất trẻ, đang theo học thêm những khóa đào tạo chuyên ngành khác, để rồi khi có điều kiện sẽ… “rẽ” nghề. Có lẽ, đây cũng là suy nghĩ của nhiều cộng tác viên DS khác. Thiết nghĩ, nếu chế độ phụ cấp quá thấp, thì liệu rằng, chỉ với lòng nhiệt tình, họ có thể gắn bó và làm tốt công việc của mình được bao lâu nữa?

ĐÔNG ANH