Cần quan tâm triển khai nghề công tác xã hội

03:10, 30/10/2011

Nghề công tác xã hội (CTXH) được hiểu là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp (một dịch vụ xã hội) nhằm cung cấp, giúp đỡ cho các cá nhân, gia đình, nhóm người, cộng đồng cùng giải quyết vấn đề của họ bằng chính sức lực của họ.

Nghề công tác xã hội (CTXH) được hiểu là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp (một dịch vụ xã hội) nhằm cung cấp, giúp đỡ cho các cá nhân, gia đình, nhóm người, cộng đồng cùng giải quyết vấn đề của họ bằng chính sức lực của họ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng, hiểu đủ về công việc khá mới mẻ này nên chưa có sự nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Để nghề CTXH trở thành một ngành nghề thật sự có ý nghĩa đối với xã hội, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2020.
 
Công tác xã hội là một hoạt động chuyên nghiệp nhằm giúp đỡ các cá nhân, nhóm cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn
Công tác xã hội là một hoạt động chuyên nghiệp nhằm giúp đỡ các cá nhân, nhóm cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn

Mục tiêu cụ thể của đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 2010 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020. Ở giai đoạn đầu 2010 – 2015, mục tiêu của đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh là phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 15%; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH. Với giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu vẫn là phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH nhưng phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các huyện, thành phố; xã hội hóa các hoạt động CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng và cung cấp dịch vụ CTXH; tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH.

Các hoạt động chủ yếu để triển khai đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 gồm hai hoạt động chính: Củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên xã hội; tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề CTXH. Theo đó, quy hoạch và phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH theo hướng gắn kết giữa các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) do Nhà nước thành lập với cơ sở BTXH do tổ chức, cá nhân được phép thành lập, giữa trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH với hệ thống BTXH. Ở giai đoạn 2010 – 2015, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH; giai đoạn 2016 – 2020, hỗ trợ, nhân rộng mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại các huyện, thành phố, Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin và Trường Cao đẳng Nghề để cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, tăng số lượng cán bộ, viên chức và cộng tác viên CTXH làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện, thành phố và cấp xã.

Hà Linh