Chiến lược phát triển mạng lưới giao thông

01:10, 11/10/2011

Phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực, gắn kết với mạng lưới giao thông quốc gia, hiện đại, liên kết thuận lợi với các phương thức vận tải, đảm bảo tính đồng bộ, chủ động và hiệu quả, tiết kiệm chi phí xã hội…

Phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực, gắn kết với mạng lưới giao thông quốc gia, hiện đại, liên kết thuận lợi với các phương thức vận tải, đảm bảo tính đồng bộ, chủ động và hiệu quả, tiết kiệm chi phí xã hội… là mục tiêu chiến lược phát triển giao thông vận tải Lâm Đồng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Sở Giao thông vận tải trình Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây.
 
Hệ thống đường Lâm Đồng đã trở lên quá tải.
Hệ thống đường Lâm Đồng đã trở lên quá tải.

Bên cạnh đường cao tốc Liên Khương – Prenn dài 19,2 km được đầu tư đưa vào khai thác năm 2008, đến nay, hệ thống quốc lộ đi qua địa phận Lâm Đồng có tổng chiều dài hơn 435 km. Cùng với hệ thống tỉnh lộ với chiều dài trên 366 km, Lâm Đồng còn có 6.046 km đường giao thông nông thôn, trong đó đường huyện có tổng chiều dài 714 km; đường xã, phường, thị trấn là 1.211 km. Đó là chưa kể các tuyến đường thôn xóm và đường chuyên dùng, nội đồng với tổng chiều dài lên đến 4.122 km. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có mạng lưới giao thông đường hàng không gồm 4 sân bay: Đà Lạt, Liên Khương, Lộc Phát, Bảo Lộc, hiện mới chỉ có sân bay Liên Khương được đầu tư đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4D đã đưa vào khai thác và tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm dài 84 km đã ngừng khai thác từ năm 1968. Với hiện trạng mạng lưới giao thông hiện nay, tuy đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng về lâu dài cần phải đưa ra kế hoạch phát triển giao thông có tầm nhìn chiến lược và đó chính là bản Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng tốt, giá dịch vụ hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để thực hiện những nội dung có tính ngắn hạn này, theo Sở Giao thông vận tải, cần phải đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm để nâng cao năng lực khai thác hệ thống đường bộ như đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 và 55. Các tuyến đường tỉnh ĐT 721, ĐT 722, ĐT 725 cũng phải đầu tư, mở rộng cầu, đường và các tuyến đường vành đai thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc. Hoàn thành tuyến đường Trường Sơn Đông, kêu gọi vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Bảo Lâm – Bình Thuận. Tiếp tục đầu tư nâng cấp đường nội thị thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc để đáp ứng tiêu chí mà hai đô thị này đã được xếp hạng. Phấn đấu 30% số xã (tương đương 36 xã) đạt được tiêu chí về giao thông nông thôn theo quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế với mục tiêu tiếp nhận 1 triệu lượt khách đến và đi tại sân bay Liên Khương.
 
Về lâu dài, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kể cả giao thông đô thị ở hai thành phố và các thị trấn, thị xã. Phấn đấu đạt 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn mới vào năm 2020. Đến năm 2030 cơ bản hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, duy trì, củng cố và khuyến khích hình thành các hợp tác xã, công ty cổ phần vận tải, phân luồng vận tải, và nhu cầu bến bãi với khoảng trên 88 bến xe. Mở các tuyến vận tải du lịch và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giao thông vận tải.  Dự kiến nhu cầu sử dụng đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải khoảng 7.411 ha, trong đó diện tích đã sử dụng là 4.544 ha và diện tích cần bổ sung khoảng 2.867 ha. Để thực hiện bản Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông Lâm Đồng này, nguồn kinh phí đầu tư ước tính lên đến năm 2030 là 97.338 tỷ đồng, chưa kể kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng. Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư để thực hiện phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch.
 
Theo Sở Giao thông vận tải, bên cạnh phát huy nội lực phải tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức đầu tư khác nhau, đẩy mạnh thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; tranh thủ các nguồn vốn ODA chính thức, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, có phương án tạo quỹ đất và giải phóng mặt bằng theo hướng mở rộng dọc theo các tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.       
 
XUÂN TRUNG