Chung sức vì tương lai con trẻ

02:10, 16/10/2011

Bằng lòng nhiệt huyết và tình yêu thương con trẻ, những cán bộ chuyên trách và cộng tác viên (CTV) dinh dưỡng đã hết mình với công việc. Mong muốn của họ là làm sao giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em đến mức thấp nhất.

Bằng lòng nhiệt huyết và tình yêu thương con trẻ, những cán bộ chuyên trách và cộng tác viên (CTV) dinh dưỡng đã hết mình với công việc. Mong muốn của họ là làm sao giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em đến mức thấp nhất. Tại thành phố Bảo Lộc, phường Lộc Sơn là đơn vị điển hình trong chương trình phòng chống SDD trẻ em. Tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn phường hiện chỉ còn 10%, thấp nhất so với các đơn vị khác.
 
Một buổi thực hành dinh dưỡng tại Trạm Y tế phường Lộc Sơn
Một buổi thực hành dinh dưỡng tại Trạm Y tế phường Lộc Sơn

Không làm việc theo ngày định kỳ, ấy vậy mà mỗi tháng, chị Đinh Thị Hoa - CTV dinh dưỡng ở khu phố 2A, phường Lộc Sơn, phải mất khoảng 20 ngày để làm những công việc “không tên”; trong đó, có công tác tuyên truyền phòng chống SDD đến các phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Đã 12 năm qua, chị Hoa đã gắn bó với công việc này. Với chị, và cũng như những CTV dinh dưỡng, làm việc chỉ vì tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương con trẻ. Chị Hoa tâm sự: “Hiện nay, các bà mẹ đã có kiến thức hơn trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Do đó, việc tuyên truyền phòng chống SDD được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các chị làm việc chỉ vì tinh thần trách nhiệm và vì tương lai con em chúng ta”.  Nhờ vậy, chương trình phòng chống SDD tại khu phố 2A rất hiệu quả. Trong năm 2010, toàn khu phố chỉ còn 5 cháu (trong tổng số 76 cháu dưới 5 tuổi) SDD và không có trẻ dưới 2 tuổi SDD.
          
Công việc của những cán bộ chuyên trách và CTV dinh dưỡng là cân, đo trẻ định kỳ để tầm soát SDD, tổ chức thực hành dinh dưỡng và lồng ghép với các chương trình khác để hướng dẫn bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn dặm đủ 4 nhóm thực phẩm… Tuy nhiên, không phải lúc nào CTV dinh dưỡng cũng nhận được sự đồng thuận của các bà mẹ. Nhiều bà mẹ kiêng cữ, không muốn cho cân, đo trẻ. Chị Hoa cho biết: Để làm công việc này hiệu quả, đòi hỏi CTV phải nắm chắc địa bàn, phân loại từng đối tượng trẻ để dễ quản lý. Đối với những trẻ SDD thì tư vấn thường xuyên cho bà mẹ cách chăm sóc trẻ.
         
Hiện nay, phường Lộc Sơn có 14 khu phố với gần 1.200 trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, trẻ SDD là 146 cháu. Khu phố 3B và khu phố 7 có tỷ lệ trẻ SDD còn cao (từ 14,5 đến 17,4%). Chị Nguyễn Thị Liệu - chuyên trách dinh dưỡng Trạm Y tế phường Lộc Sơn, cho biết: Sở dĩ 2 khu phố này có tỷ lệ trẻ SDD cao là vì dân cư tạm trú đông, CTV dinh dưỡng khó tiếp cận. Vì vậy, CTV dinh dưỡng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để lồng ghép tuyên truyền chương trình dinh dưỡng tại các khu phố. Theo nhận định của chị Liệu, mặc dù tỷ lệ trẻ SDD của phường là thấp nhất so với các địa phương khác ở thành phố, nhưng so với một phường trung tâm như Lộc Sơn thì tỷ lệ này vẫn còn cao. Nếu làm tốt hơn, mạnh hơn thì tỷ lệ SDD trẻ em sẽ tiếp tục giảm.
          
Phường Lộc Sơn là đơn vị đầu tiên của thành phố Bảo Lộc triển khai chương trình phòng chống SDD ở trẻ em từ năm 1994. Qua hơn 15 năm triển khai chương trình này, hiệu quả đạt được với tỷ lệ trẻ SDD 10%, thấp hơn tỷ lệ bình quân của thành phố là 14,4%. Theo bà Lê Thị Ngọc Lan - cán bộ phụ trách chương trình phòng chống SDD Trung tâm Y tế Bảo Lộc: Phường Lộc Sơn đạt được kết quả đó là do mạng lưới CTV dinh dưỡng nhiệt tình, năng nổ và sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể rất tốt. Việc giảm tỷ lệ trẻ SDD ở phường Lộc Sơn đã góp phần giảm tỷ lệ SDD toàn thành phố từ 17,8% năm 2006 xuống còn 14,4% năm 2011. Tuy nhiên, theo bà Lan, hiện tại chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách và CTV dinh dưỡng không có, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của chị em.
         
Toàn thành phố Bảo Lộc hiện có 142 cán bộ chuyên trách và CTV dinh dưỡng, phụ trách 119 thôn, buôn, khu phố. Các chị làm việc “không công”, nhưng đổi lại họ tìm thấy niềm vui khi góp phần nhỏ bé của mình cho thế hệ tương lai của đất nước đang lớn lên từng ngày.

Đông Anh