Khi nam nông dân vào cuộc

03:10, 30/10/2011

Thực hiện KHHGĐ, đẻ ít, đẻ thưa... để có thời gian và sức khỏe thi đua sản xuất giỏi, từng bước vươn lên làm giàu để có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc và nuôi con ăn học là những nội dung quan trọng mà trong những năm qua luôn được các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng quan tâm triển khai thực hiện.

Thực hiện KHHGĐ, đẻ ít, đẻ thưa... để có thời gian và sức khỏe thi đua sản xuất giỏi, từng bước vươn lên làm giàu để có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc và nuôi con ăn học là những nội dung quan trọng mà trong những năm qua luôn được các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng quan tâm triển khai thực hiện.
 
Cấp phát dụng cụ tránh thai cho nam nông dân người dân tộc thiểu số
Cấp phát dụng cụ tránh thai cho nam nông dân người dân tộc thiểu số

Hiệu quả từ các mô hình

“Thực hiện sự chỉ  đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã chủ động đưa công tác dân số - KHHGĐ vào kế hoạch công tác của các cấp Hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền vận động hội viên nam nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về dân số - KHHGĐ... Hàng năm, đều có kiểm tra, đánh giá và khen thưởng những đơn vị làm tốt công tác dân số - KHHGĐ, xem đây là một tiêu chí bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân sản xuất giỏi phải là sinh ít con, con cái được nuôi dạy tốt và học hành đầy đủ...” - ông Cao Duy Hùng (Phó ban Kinh tế - xã hội) Hội Nông dân tỉnh, cho hay.

Hàng năm, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của TW Hội trong việc triển khai đồng bộ mô hình "Dân số và phát triển bền vững” đến các cấp Hội trong tỉnh, đồng thời Tỉnh Hội còn chủ động phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân về các phương pháp triển khai sinh hoạt mô hình. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 câu lạc bộ (CLB) nông dân 6 tiêu chuẩn, 41 CLB nam nông dân không sinh con thứ 3 và 21 CLB an toàn giao thông phòng chống tội phạm, có 4.245 hội viên tham gia sinh hoạt và đăng ký không có người sinh con thứ 3. Ngoài ra, một số cấp Hội trong tỉnh còn phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các mô hình CLB gia đình nông dân không để trẻ em lang thang; mô hình IPM; CLB nông dân với pháp luật... Thông qua sinh hoạt các mô hình, CLB cán bộ, hội viên nông dân đều phải cam kết tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai, không được sinh con thứ 3... nếu không vi phạm tổ chức Hội sẽ đứng ra cam kết với ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn tín chấp để phát triển sản xuất. Đến nay, đã xây dựng được 25 CLB IPM và 5 CLB nông dân với pháp luật, với gần 3.000 hội viên tham gia. Đặc biệt những năm gần đây, Trung ương Hội đã mở rộng thêm một số mô hình lồng ghép truyền thông SKSS/KHHGĐ/Bình đẳng giới với hoạt động tín dụng, tiết kiệm khuyến nông, với mục đích vận động và hướng dẫn nông dân xây dựng gia đình nông dân mới tiến bộ, giàu có, bình đẳng giữa vợ chồng. Mô hình ngày càng phát huy hiệu quả bởi tính thiết thực, gắn bó mật thiết với quyền lợi bà con.

 Cần vận động nam nông dân

Bên cạnh, việc tuyên truyền vận động nhân dân đẻ ít nhằm giảm mức sinh, đặc biệt là sinh con thứ 3 trở lên để có cuộc sống ấm no là một việc làm lâu dài và cần thiết. Nhưng hiện tại và tương lai, cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng, công tác DS – KHHGĐ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cho phép là 105 trẻ em trai/100 trẻ em gái; hiện tại Lâm Đồng là 116/100, đây là tình trạng báo động.

Nhận thức được điều đó, các cấp Hội Nông dân, đặc biệt là tại các địa phương triển khai thí điểm mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đã có sự đổi mới phương thức hoạt động, bằng cách lồng ghép các nội dung trên đây, cùng với việc tổ chức các hội thảo về chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong sinh hoạt các CLB nông dân như CLB Dân số - KHHGĐ, CLB gia đình nông dân phát triển bền vững, CLB nam nông dân không sinh con thứ 3, CLB 6 chuẩn mực... Đối tượng trực tiếp và chủ yếu của các hoạt động trên là nam nông dân, bởi trên thực tế ở nhiều vùng quê, nhiều gia đình, nam giới là người quyết định mọi việc.

 Để có được kết quả cao, đi vào thực tiễn từ những vấn đề nêu trên cần tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ. Từ đó, làm thay đổi nhận thức của người dân, có thay đổi nhận thức thì bà con mới thay đổi hành vi, cần  truyền thông lâu dài,  đòi hỏi sự kiên nhẫn, để người dân hiểu được. Đồng thời, phải "biến" việc này theo phương thức xã hội hóa. Để làm được điều đó, không chỉ ngành Dân số hay các cấp hội nông dân thực hiện mà nó đòi hỏi cần phải có sự can thiệp đồng bộ của toàn xã hội thì công tác DS - KHHGĐ nói chung và giảm thiểu mất cân bằng giới tính tại tỉnh ta sẽ có hướng chuyển biến tốt.
Công Nam