Đam Rông làm tốt công tác quản lý - bảo vệ rừng

03:10, 27/10/2011

Nhờ thực hiện tốt Chỉ thị 41/CT-TU của Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng”, nên nhìn chung, rừng và tài nguyên rừng của Đam Rông được quản lý - bảo vệ khá tốt.

Đam Rông là huyện có đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ trên 73%, lại là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, nên công tác quản lý - bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, bởi phương thức sản xuất lạc hậu phát rừng làm nương rẫy và vào mùa giáp hạt thường dựa vào rừng để sống của bà con DTTS, lại chịu áp lực của được mùa, được giá cà phê, một bộ phận không nhỏ người dân địa phương lấn chiếm đất rừng để lập vườn cà phê hoặc sang nhượng trái phép. Thế nhưng, nhờ thực hiện tốt Chỉ thị 41/CT-TU của Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng”, nên nhìn chung, rừng và tài nguyên rừng của Đam Rông được quản lý - bảo vệ khá tốt.

Theo số liệu thống kê, Đam Rông có tổng diện tích tự nhiên 86.090 ha, trong đó, rừng và đất rừng 65.296 ha, chiếm tỷ lệ 75,8%. Toàn huyện có 8 xã, thị trấn với 51 thôn, buôn, tỷ lệ người dân sống rải rác trong các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa khá lớn, lại có số lượng lớn dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào lập nghiệp khá lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn; dân số, trong lúc trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, giá cả một số mặt hàng cây công nghiệp dài ngày như trà, cà phê lên cao, dẫn đến áp lực lớn trong công tác quản lý-bảo vệ rừng. Nhận thức được điều đó, tháng 8/2008, khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị 41/CT-TU, Ban Thường vụ (BTV) Huyện uỷ Đam Rông đã triển khai thực hiện bằng việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng” yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở phải triển khai thực hiện công tác quản lý - bảo vệ rừng, đồng thời thành lập ban chỉ đạo và phân công các đồng chí UV BTV, HUV trực tiếp phụ trách các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn trong công tác QL - BV rừng. Trên cơ sở kế hoạch và sự phân công trách nhiệm của Ban chỉ đạo, các ngành chức năng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức đồng bộ công tác QL-BV rừng từ khâu tuyên truyền, đến khâu tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và tổ chức bố trí dân cư hợp lý để thuận lợi trong công tác quản lý, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, nhận khoán trồng và chăm sóc rừng… Trong công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm lâm chủ động phối hợp với lâm nghiệp xã, chính quyền thôn, buôn tổ chức 187 cuộc tuyên truyền về nội dung của Luật BV-PT rừng, những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, về chính sách hưởng lợi từ rừng như Nghị định 135/2005/NĐ-CP, Quyết định 147, Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ… cho 9.300 lượt người dân và tổ chức viết bản cam kết không phá hoại rừng đối với 1.000 hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS; tổ chức nhiều cuộc diễn tập phòng chống cháy rừng với sự tham gia đông đủ các lực lượng chức năng, dân quân tự vệ và cả người dân. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp còn phối hợp với Phòng Giáo dục đưa Luật BV-PT rừng vào tuyên truyền trong các trường học, phối hợp với Đài TH-TH tuyên truyền các quy định, chính sách về rừng trên hệ thống truyền thanh không dây, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền miệng nội dung Luật BV-PT rừng một cách sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Song song với công tác tuyên truyền vận động, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ngành công an, quân đội, các chủ rừng, đội công tác 12 của huyện, chính quyền thôn, xã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, tuy quét các đối tượng phá rừng trái phép tại các địa bàn trọng điểm như: Đầu đèo Chuối, TK 108, 109, 212, 178, 181… kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm lâm luật và thu hồi giải toả, buộc phải trồng lại rừng ở những diện tích lấn chiếm đất rừng… Do vậy, các vụ việc vi phạm Luật BV-PT rừng ngày một giảm qua hàng năm, chẳng hạn: Năm 2009 có 111 vụ vi phạm, năm 2010 giảm xuống còn 83 vụ, 9 tháng đầu năm 2011 chỉ còn 70 vụ và tính chất, mức độ vi phạm cũng giảm dần tính quy mô, phức tạp. Cũng trong thời gian nói trên, tổng diện tích lấn chiếm đất rừng bị thu hồi giải toả, buộc phải trồng lại rừng lên đến 204,5 ha. Tuy nhiên, vấn đề có tính chất bền vững lâu dài trong công tác QL-BV rừng chính là ở chỗ sắp xếp, bố trí dân cư sinh sống hợp lý và tổ chức giao khoán trồng rừng, QL-BV rừng. Trong công tác này, UBND huyện đã tiến hành quy hoạch xây dựng các khu định cư mới và ngành lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội vận động người dân ra khỏi rừng, các khu vực giáp ranh với huyện Đắc Giong - Đắc Nông, Lâm Hà, khu vực lân cạnh rừng đến sinh sống tại các khu dân cư mới như TK 176, 178, 181 xã Liên Srônh, TK 212 xã Phi Liêng… Để đảm bảo cho người dân, nhất là đồng bào DTTS có được cuộc sống ổn định lâu dài, Hạt Kiểm lâm cùng với các đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán trồng rừng và QLBV rừng cho người dân. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, ngành lâm nghiệp của huyện Đam Rông đã hợp đồng trồng mới rừng được 4.675 ha rừng các loại, cao gấp 1,2 lần so với Nghị quyết đề ra của Huyện uỷ; trong đó, trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 3.665 ha, trồng rừng từ nguồn vốn ngoài ngân sách 1.010 ha. Cùng với hợp đồng trồng rừng, hàng năm Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tiến hành giao khoán QL-BV 45.000 ha rừng cho 2.630 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS (trong đó phần lớn diện tích giao khoán QL-BV theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với đơn giá cao hơn nhiều so với mức bình thường), đã tạo thêm thu nhập từ rừng cho người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhờ vậy, theo đồng chí Bùi Văn Hởi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác QL-BV rừng tại huyện Đam Rông. Và cũng nhờ vậy, công tác QL-BV rừng của huyện đạt được kết quả khả quan, rừng trên địa bàn được bảo vệ, phát triển tốt hơn.
HOÀNG KIẾN GIANG