Đam Rông phấn đấu có 4 xã nông thôn mới vào năm 2020

03:10, 18/10/2011

Đam Rông là một trong 63 huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng đầu tư từ Đề án 30a về “Giảm nghèo nhanh và bền vững” cũng như nhiều chương trình, dự án khác đầu tư cho nông nghiệp- nông dân- nông thôn của Nhà nước.

Đam Rông là một trong 63 huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng đầu tư từ Đề án 30a về “Giảm nghèo nhanh và bền vững” cũng như nhiều chương trình, dự án khác đầu tư cho nông nghiệp- nông dân- nông thôn của Nhà nước. Đây là thuận lợi rất lớn của địa phương trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo mục tiêu đã xác định của Huyện ủy và UBND huyện Đam Rông: Đến năm 2015, các xã Đạ R’Sal (xã điểm của tỉnh), Đạ Tông (xã điểm của huyện) đạt xã nông thôn mới, và tới năm 2020 ít nhất cũng phải có thêm các xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng đạt tiêu chuẩn này.

Kết quả của các hoạt động này là tới cuối tháng 9/2011 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới của xã Đạ R’Sal, các xã còn lại sẽ được phê duyệt trong tháng cuối năm; UBND huyện cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 8/8 xã trên toàn huyện. Dựa vào các đề án và quy hoạch này, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai theo kế hoạch trên thực tế từ đầu năm và tới nay những kết quả đầu tiên đã được khẳng định. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đam Rông cho biết, năm 2011 này tổng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho huyện để triển khai xây dựng nông thôn mới là 171 tỷ đồng (số liệu quy tròn), thì đến đầu tháng 10 này đã đạt khối lượng thi công tương ứng 80,2 tỷ, giá trị khối lượng tạm ứng thanh toán 94 tỷ đồng. Hiện tại 8/8 xã đều đã được giải ngân và đều đã triển khai thi công các công trình đạt tiến độ kế hoạch; nhiều công trình có tính bức xúc cao như Trường Mầm non Rô Men, Trường Trung học Bằng Lăng, Trường Dân tộc nội trú (xã Rô Men), Điểm Định canh - định cư xen ghép TK 72, Trường Mầm non Đạ Long (Xã Đạ Long)… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; Hồ Thủy lợi xã Phi Liêng, Trường Trung học Phi Liêng (xã Phi Liêng)… đang được khẩn trương thi công… Được sự đồng thuận cao của nhân dân nên các hoạt động tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới - theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đam Rông - đang diễn ra trên địa bàn toàn huyện như tăng cường làm xanh - sạch - đẹp môi trường sống, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống”. Ở xã điểm Đạ R’Sal nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, hiến cây trồng, tham gia lao động làm đường giao thông nông thôn và xây dựng trường học… Sau một thời gian chưa dài triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án nông nghiệp - nông thôn lồng ghép, tới nay hầu hết các xã nghèo ở Đam Rông đã đạt được từ 4 đến 5 tiêu chí nông thôn mới (riêng xã Đạ R’Sal đạt được 8/19 tiêu chí). Tuy nhiên, hầu hết các tiêu chí đã đạt đều thuộc về các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, hệ thống chính trị, an ninh trật tự…; các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế… hầu như chưa có xã nào đạt được.

Theo UBND huyện, khó khăn nhất của Đam Rông trong xây dựng nông thôn mới là cho tới nay huyện vẫn chưa hoàn thành được Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua. Là huyện vùng sâu vùng xa, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh nên việc thu hút các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tại chỗ để đầu tư hạ tầng nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn. Từ những khó khăn này, chủ trương của huyện là tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn lồng ghép, tập trung đầu tư các công trình và dự án trọng điểm phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng khu vực dân cư; việc huy động nguồn vốn và vật lực tại chỗ thông qua việc vận động nhân dân đóng góp sẽ được thực hiện sâu rộng tới mọi tầng lớp dân cư, mọi khu dân cư… nhằm phấn đấu đạt mục tiêu có ít nhất 4 xã nông thôn mới (tức 50% số đơn vị hành chính cấp xã của huyện) vào năm 2020.
ĐỨC HƯNG