Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi lần theo địa chỉ đỏ tìm về cây số 6 thành phố Đà Lạt, để viết về một bà mẹ là cơ sở cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên thành phố cao nguyên thơ mộng.
Nhà tình nghĩa trên nền nhà cũ của má Năm Miên ở đường Bạch Đằng, phường 7, Tp. Đà Lạt |
Đó là nhà má Năm Mên ở đường Bạch Đằng, phường 7, thành phố Đà Lạt ngày nay. Đó là một địa chỉ, một tổ ấm của bao anh em chiến sĩ ngày ấy, từ đây những chiến sĩ cảm tử thành đã xuất quân đi trừ gian, diệt ác, ám sát những tên Commando ác ôn. Cũng tại nơi này là điểm tiếp nhận thư từ, tài liệu, hàng hóa lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm, thuốc tây gởi ra chiến khu cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trên đất Lâm Viên.
Để hiểu thêm về công việc của má Năm Mên, một người phụ nữ, một người nông dân chưa học hết i tờ, nhưng lòng yêu nước thật vô bờ, một con người dũng cảm, ngoan cường, nhiều mưu mẹo để qua mắt địch, hoàn thành công việc cách mạng giao giữa lòng địch, tôi đến ngôi nhà tình nghĩa thắp ba nén hương lên bàn thờ má để tưởng nhớ người phụ nữ ngoan cường, bất khuất. Lần đến cây số 6, tôi gặp lại anh Tám Hữu, anh tên thật Võ Văn Hữu, cơ sở cách mạng (chiến sĩ bị bắt, bị tù) là cháu gọi má Năm Mên bằng dì, anh sống trong nhà dì từ lúc còn nhỏ và là người trực tiếp được má giao nhiệm vụ đi liên lạc ở những cơ sở bên trong nội thị. Năm nay anh đã qua tuổi 75, nhưng vẫn nhớ rất rõ những công việc được má Năm giao cho anh. Anh vui vẻ kể lại những công việc thầm lặng của má Năm Mên…
“Sau năm 1946, thực dân Pháp trở lại Đà Lạt, gia đình tôi hồi cư về cây số 6. Tôi cùng chị ruột là Võ Thị Kiều (Bảy Kiều) ở nhà chú dì từ lúc còn nhỏ. Một tay dì vừa lo toan công việc gia đình để ổn định cuộc sống, vừa phải chạy đi móc nối lại từng cơ sở thất lạc trong cuộc tản cư năm 1945. Năm ấy, tôi mới 13 tuổi, cái tuổi còn con nít ăn không đủ no lo chưa tới nhưng tôi vẫn ý thức được việc dì giao là rất hệ trọng, phải giữ kín không được hé môi. Tôi đi thư từ nhà anh Dương Xuân Tụy (một cán bộ của Ủy ban Hành chính kháng chiến Lâm Viên) đến cơ sở ở Ngã 5 Đại học. Trước khi đi dì dặn dò cẩn thận, đặt ra những tình huống xấu nhất phải thủ tiêu bức thư để không lọt vào tay địch. Khi phát hiện địch từ xa là phải bỏ thư vào mồm nhai nuốt. Đây là việc phục vụ cách mạng đầu tiên trong đời tôi. Lúc bấy giờ, trong lòng tôi thật hồi hộp lo âu, nhưng cố trấn tĩnh. Trước khi đi dì trao cho tôi 1 chiếc roi mây và 1 chiếc nón cời (nón lá rách) để giả làm đứa trẻ chăn bò đi tìm bò lạc. Vùng này ngày ấy là những đồi cỏ nối dài tới sân golf, chưa có nhiều nhà cửa như ngày nay.
Những năm 1947, 1948, 1949, nhà dì tôi vừa hoạt động cơ sở tiếp tế, có hầm bí mật ở chuồng bò nuôi cán bộ, vừa là trung tâm liên lạc giữa nội đô với ngoài chiến khu. Trong thời gian này, dì giao nhiệm vụ cho tôi với chị Bảy Kiều đi móc nối, liên lạc lại với những cơ sở bị địch bắt thả ra, hoặc bị địch khống chế. Thời gian này, tôi đi học thợ may nên có điều kiện đi lại liên hệ các cơ sở ở trung tâm nội đô như chị Sáu Lan, một trong 20 người sống sót sau vụ thảm sát ở Sân bay Cam Ly, chị Ba Thiện, chị Hoài, ông Nguyễn Chánh (Sáu Chánh) - một nhà thầu khoán yêu nước nhà ở đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng ngày nay).
Chị Bảy Kiều thường gánh rau đi chợ, bên dưới rau là tài liệu để giao cho các cơ sở ở chợ; lúc về, dưới những lá rau cho heo ăn là thuốc tây. Ngoài ra, chị còn liên lạc với các cơ sở ở đường Ngũ Lộ (Cao Thắng) như ông La Hưng, chị La Ngôn, ông Lục Công, ông Nguyễn Phàn Kế. Thời gian này nhiều thư từ gởi đi, lại tôi không nhớ hết, ngoài ra còn tài liệu, truyền đơn và cả thư riêng gởi cho các gia đình có chồng, con em đi theo Việt Minh. Quà gởi ra rừng gói như cái bánh chưng, thư gởi cho cơ sở chỉ bằng chiếc phao câu cá cuộn tròn, tất cả những công việc đều do dì sắp xếp và giao nhiệm vụ.
Năm 1950, địch đánh hơi ở vùng cây số 6 có sự hoạt động của Việt Minh, chúng ráo riết tăng cường cho lính lê dương đi lùng sục, cho mật thám giả dạng thường dân đi làm thuê, cuốc mướn ở những gia đình mà chúng cho là có liên quan đến cách mạng, để lần ra dấu vết của anh em ta về hoạt động. Cũng trong năm này địch bắt dì đi tù. Qua đấu tranh trực diện với kẻ thù, dì đã có những lý lẽ xác đáng trước kẻ thù buộc chúng phải thả dì ra.
Thay cho lời kết, bà Trần Thị Khả nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Lâm Đồng nhận xét: “Bà Năm Mên ở cây số 6 đã làm những việc âm thầm lặng lẽ, nhưng rất đỗi anh hùng. Bà đã không tiếc xương máu, tài sản của gia đình để cống hiến cho cách mạng. Gia đình bà có tất cả 3 người con đều ra rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong đó có 2 người là liệt sĩ. Đây là một tấm gương tiêu biểu của phong trào phụ nữ Đà Lạt trong 2 cuộc kháng chiến thật ngoan cường, dũng cảm, sắt son, chung thủy với cách mạng để giành độc lập tự do cho dân tộc”.