Ung thư vòm mũi họng

04:10, 27/10/2011

Ung thư vòm họng (UTVH) thường gặp ở người trưởng thành từ 35 - 55 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Nước ta nằm trong khu vực có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng rất cao, gấp 20 - 30 lần so với các nước khác.

Ung thư vòm họng (UTVH) thường gặp ở người trưởng thành từ 35 - 55 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Nước ta nằm trong khu vực có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng rất cao, gấp 20 - 30 lần so với các nước khác. Ung thư vòm mũi họng đứng hàng thứ tư trong số mắc bệnh ung thư ở cả hai giới, nếu được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi.
 
Chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Trạm Y tế Sơn Điền (Di Linh)
Chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Trạm Y tế Sơn Điền (Di Linh)

Các yếu tố môi trường: Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất (đặc biệt là các  hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, trứng, các loại củ) được xem là những yếu tố nguy cơ cao gây mắc bệnh ung thư vòm mũi họng.

Vi rus Epstein-barr:  Gen của virút epstein- Barr cũng được tìm thấy trong bệnh phẩm sinh thiết từ khối u vòm họng. Thuốc lá, rượu cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh này.

Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu về di truyền học gần đây cho thấy có liên quan giữa gen ức chế u ở những bệnh nhân UTVH.

Dấu hiệu và triệu chứng: Các dấu hiệu sớm thường khó nhận biết. Bệnh nhân thường không để ý và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau. Các dấu hiệu muộn thường có sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, thường do khối u phát triển tại chỗ hoặc xâm lấn gây ra. Triệu chứng hạch cổ: phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên. Triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u. Triệu chứng tai: phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng. Triệu chứng mắt: vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.

Chẩn đoán: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, soi vòm họng, khám hạch kết hợp với các xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học tại vòm hoặc tại hạch. Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp ung thư vòm mũi họng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 6 tháng đến 1 năm.

Điều trị  bằng nhiều phương pháp sau:

- Xạ trị: Đối với UTVH giai đoạn sớm xạ trị vẫn là biện pháp quan trọng nhất có thể chữa khỏi với tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt tới 97 -100%. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển tại chỗ thì xạ trị đơn thuần cho thấy tỉ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% - 40%.

- Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí  giải phẫu chật hẹp nên phẫu thuật không có vai trò chính trong điều trị triệt căn mà chỉ áp dụng để sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh học  hoặc lấy hạch còn lại sau khi xạ trị.

-Hóa trị: Trước đây hóa trị chỉ áp dụng điều trị bệnh ung thư vòm mũi họng khi đã có di căn xa hoặc tái phát mà xạ trị không còn khả năng kiểm soát. Xu hướng mới hiện nay là hóa xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển tại vùng bao gồm: điều trị hóa chất tân bổ trợ, điều trị hóa chất bổ trợ và điều trị hóa chất xen kẽ trong thời gian xạ trị.

Phòng bệnh: Điều trị sớm bệnh viêm nhiễm đường mũi họng. Không hút thuốc lá. Hạn chế uống rượu. Không ăn cá muối và các thức ăn lên men (dưa, cà muối...). Khi thấy các dấu hiệu nhức đầu, xì mũi máu, ù tai, hạch cổ to cần khám tai mũi họng, soi vòm để phát hiện sớm.

BSCKI Nguyễn Tất Ứng (Phó Giám đốc Trung tâm TT-GDSK LĐ)