Luật cần cụ thể cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn

02:10, 18/10/2011

Tại cuộc hội thảo góp ý Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức tại Đà Lạt mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo những người làm công tác Công đoàn trong tỉnh. Đa số các ý kiến đóng góp đều cho rằng: Luật cần cụ thể cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn.

Tại cuộc hội thảo góp ý Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức tại Đà Lạt mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo những người làm công tác Công đoàn trong tỉnh. Đa số các ý kiến đóng góp đều cho rằng: Luật cần cụ thể cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Luật Công đoàn hiện hành được Quốc hội thông qua vào ngày 30/6/1990 và được Nhà nước công bố ngày 7/7/1990, qua hơn 20 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng lớn của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn năm 1990 do được ban hành vào giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường nên hiện nay một số điểm không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu tình hình mới. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, có 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đó là: vấn đề về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn; về địa vị pháp lý của Công đoàn; vấn đề “Đại diện cho tập thể lao động” ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn; về quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là người nước ngoài; và vấn đề tài chính Công đoàn.

Thu hút sự quan tâm nhiều nhất tại cuộc hội thảo đó chính là vấn đề về cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn. Hiện nay 95% cán bộ Công đoàn ở doanh nghiệp, cơ quan là cán bộ Công đoàn không chuyên trách do doanh nghiệp, cơ quan ký hợp đồng lao động và trả lương; vì vậy họ phụ thuộc rất lớn vào đơn vị sử dụng lao động. Nhiều cán bộ Công đoàn không chuyên trách có năng lực, bản lĩnh và được đoàn viên, người lao động tín nhiệm, nhưng khi hết hạn hợp đồng lao động, nếu người sử dụng lao động không ký tiếp hợp đồng lao động thì đương nhiên họ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đắc - Chủ tịch Công đoàn ngành Chè - Cà phê nói: “Hôm nay, người lao động bầu anh làm Chủ tịch Công đoàn, nhưng ngay ngày mai, chủ doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng lao động cho anh nghỉ việc… Vì vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có quy định cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn cụ thể, rõ ràng hơn”. Về vấn đề này, bà Mai Lương Anh chia sẻ: “Thực tế ở cơ sở nhiều cán bộ Công đoàn còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ Công đoàn, vì vậy cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn cơ sở. Do đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) bên cạnh quy định cơ chế bảo vệ cũng cần có cơ chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn”.
LÊ HỮU TÚC