Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập luôn được Hội LHPN huyện Đức Trọng xác định là đòn bẩy trong hoạt động Hội.
Phụ nữ DTTS được hỗ trợ việc làm giúp tăng thu nhập và ổn định cuộc sống |
Trong quá trình hoạt động, Hội LHPN huyện Đức Trọng luôn coi trọng đến việc nâng cao đời sống cho phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Để phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua, Huyện Hội đã chỉ đạo cho các cơ sở tiếp tục đầu tư vốn duy trì và xây dựng mới các mô hình phụ nữ giúp nhau về giống, vốn, cây con, kinh nghiệm sản xuất thông qua các mô hình tổ tiết kiệm, tổ tình thương, tổ phụ nữ tín chấp, tổ hùn vốn, tổ vần công, đổi công để kịp thời vụ… Với những mô hình trên, Hội đã xây dựng mới được 230 tổ phụ nữ tiết kiệm, nâng số tiền lên hơn 1 tỷ đồng, với 12.190 lượt chị tham gia. Để sử dụng vốn có hiệu quả, hàng năm, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi với trên 1.000 lượt chị tham gia. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và Công ty Nắng Mai, Hội Phụ nữ huyện Đức Trọng đã thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tự lực và tổ chức dạy nghề cho 27 phụ nữ khuyết tật đang sinh hoạt trong CLB tự lực, giúp các chị xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hòa nhập cộng đồng và phát huy mọi mặt vươn lên cùng tiến bộ.
Đến nay, có 15/17 cơ sở Hội Phụ nữ ký kết và thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền dư nợ là 97 tỷ đồng cho 26.766 lượt chị ở 170 tổ vay, bình quân mỗi chị được vay từ 10 – 30 triệu đồng. Hội còn phối hợp với các công ty, xí nghiệp đóng tại địa phương giải quyết việc làm cho trên 3.000 chị có thu nhập ổn định. Điển hình như ở các xã Đà Loan, Hiệp Thạnh, Hiệp An, Bình Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa… Hội thường xuyên vận động chị em tiếp tục thực hiện tốt phong trào tiết kiệm đầu tư cho sản xuất. Tiếp tục duy trì và vận động xây dựng được nhiều mô hình đạt hiệu quả như mô hình trồng nấm mèo xuất khẩu ở thị trấn Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Hiệp Thạnh với trên 500 trại; mô hình nuôi tằm ở xã Bình Thạnh, Tân Thành, Tân Hội với 654 tổ nuôi tằm. Qua đó, đã giải quyết cho trên 2.000 lao động chính, lao động phụ, lao động lúc nông nhàn có việc làm và thu nhập ổn định. Không những vậy, Hội còn tiếp tục duy trì các tổ dệt, móc len và thêu tay tại các xã Tân Hội, Phú Hội, Hiệp Thạnh, Đà Loan, Bình Thạnh… giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong 5 năm qua, với các mô hình hoạt động trên, Hội đã giải quyết cho hơn 5.000 lao động. Cùng với các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cho phụ nữ gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề “Phụ nữ Đức Trọng tiết kiệm, làm theo lời Bác”, qua 4 năm thực hiện cuộc vận động, đã có 297 tổ trên 120 chi hội hưởng ứng, trong đó, có 244 tổ bỏ tiền tiết kiệm vào ống tre, heo đất; 108 tổ xây dựng hũ gạo tiết kiệm… với trên 11.000 lượt chị tham gia. Xây dựng được 51 tổ phụ nữ tiết kiệm có 898 chị tham gia với số tiền trên 365 triệu đồng, giúp 266 chị vay, giúp 910 kg lúa giống, 56 chỉ vàng cho hội viên nghèo…
Trong nhiệm kỳ qua, tổng số hội viên phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ là 1.124 chị, phụ nữ nghèo làm chủ hộ 959 chị, đến cuối nhiệm kỳ, đã có 879 chị thoát nghèo theo tiêu chí mới. “Nhìn chung, công tác hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn huyện có nhiều mô hình đổi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của chị em ngày một nâng lên, chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, chị Nguyễn Thị Ngọc – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng cho biết.