Niềm tin là “bà đỡ…” cho thành công

08:10, 13/10/2011

…Giữa vườn hoa bệnh viện, cựu thủy thủ - Đại úy Trần Hậu Vệ kể chuyện Đoàn tàu Không số (TKS). Nếu không mặc bộ quần áo bệnh nhân và thỉnh thoảng ông phải ấn bàn tay vào vùng thượng vị thì không ai nghĩ là ông đang ốm đau.

Ông Trần Hậu Vệ kể chuyện Đoàn tàu Không số
Ông Trần Hậu Vệ kể chuyện Đoàn tàu Không số
…Giữa vườn hoa bệnh viện, cựu thủy thủ - Đại úy Trần Hậu Vệ kể chuyện Đoàn tàu Không số (TKS). Nếu không mặc bộ quần áo bệnh nhân và thỉnh thoảng ông phải ấn bàn tay vào vùng thượng vị thì không ai nghĩ là ông đang ốm đau.

Tôi gọi điện để xin được nghe ông kể những kỷ niệm về Đoàn tàu TKS anh hùng. Từ đầu dây đằng kia, giọng ông trầm trầm “Ai đấy, có việc gì thế ạ?”. Nghe tôi giãi bày, ông hào hứng hẳn lên: “Vậy đồng chí đến ngay Bệnh viện đa khoa Đức Giang, quận Long Biên… Đến ngay nhé!”. Hóa ra, ông đang điều trị cái dạ dày vốn như con ngựa bất kham từ hơn chục năm nay. Tôi thành thật: “Để khi bác khỏe hẳn đã!”. Ông lại hào hứng hơn: “Ấy! Tàu Không số không quản gì sóng gió. Vì miền Nam, có lệnh là đi”. Rồi ông cười khà khà. Qua âm thanh như thấy cả đôi mắt ông cũng cười.
  
Ông Vệ sinh năm 1944 ở Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Tháng 6-1963, đang học lớp 10, ông nhập ngũ vào Đoàn TKS. Lúc đầu là thủy thủ, sau phụ trách hỏa lực trên tàu. Ông đi 9 chuyến chở vũ khí vào Nam thì hai chuyến không tới được đích, phải quay về. Ông bảo: “TKS ra đi mà phải quay về thì day dứt như mắc nợ bà con trong ấy. Tôi may mắn hơn nhiều anh em khác là chưa phải hủy tàu lần nào. Từ khi nghỉ hưu, không mấy khi tôi không nghĩ đến đồng đội”. Ông lật vạt áo để lộ phần bụng chằng chịt những vết mổ đã thành sẹo to như sợi dây thừng và tươi cười: “Mấy bận tưởng kiệt sức. Nghĩ đến đồng đội TKS thế là lại vượt qua được”.
         
Đồng đội của ông, những con người nhận nhiệm vụ đồng thời cũng là cảm tử. Thà hi sinh, không để địch bắt sống tàu và người. Trường hợp phải hủy tàu, nếu người còn sống thì lên bờ tìm đường trở về đơn vị, tiếp tục nhiệm vụ đi TKS vận chuyển vũ khí vào Nam tiêu diệt quân thù... Với những tập thể kiên cường, dũng cảm đó, ông Vệ đã từng biết và hành trình cùng nhiều người, trong đó có Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh ba lần vào Vũng Rô trót lọt, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba quê Trà Vinh, Chính trị viên Đỗ Như Sạn quê Thanh Hóa… Ông và họ đã trải qua những kỷ niệm hào hùng.
      
Ông kể cho chúng tôi nghe một lần suýt phải hủy tàu. Ấy là, Tết Mậu Thân 1968, Lữ đoàn 125 thực hiện Kế hoạch “tuyệt mật” trên giao: 4 tàu chở vũ khí, xuất phát cùng thời điểm trong một đêm, đi 4 hướng khác nhau. Thật khẩn trương, đáp ứng yêu cầu tổng tiến công. Tàu 165 đi Cà Mau. Tàu 235 vào Khánh Hòa. Tàu 43 vào Quảng Ngãi. Ông phụ trách hỏa lực trên Tàu 56, do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên Đỗ Như Sạn, cùng hai thuyền phó là Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Sơn chỉ huy. Các thủy thủ khác gồm: Phan Nhạn, Nguyễn Hữu Thịnh, Lâm Ngọc Thả cơ điện; Nguyễn Văn Nghiệp, Nguyễn Quốc báo vụ; Nguyễn Văn Hoa, thủy thủ trưởng; Trần Văn Việt y tá; Nguyễn Thoa, Hồ Văn Kiêng, Trần Bá Mai thủy thủ; Bùi Văn Hội cơ yếu; Phạm Phong Đề hàng hải; chở 37 tấn vũ khí vào bến Lô Giao, Bình Định.

Tàu 56 xuất phát ngày 26-2-1968, thì ngày 29 bị máy bay và 3 tuần dương hạm của địch theo dõi, bao vây. Mục đích của chúng là uy hiếp để nếu biết chắc tàu quân sự của ta thì bắt sống. Bởi vậy chúng bắn đạn lửa như mưa và rọi đèn pha vào tàu ta, đồng thời phát tín hiệu quốc tế: “Các anh từ đâu đến? Dừng lại để chúng tôi kiểm tra!”. Cứ thế, uy hiếp và đe dọa. Sang ngày thứ 3, kẻ địch vẫn không rời tàu 56. Giữa lúc đó, Chính trị viên Sạn qua làn sóng vô tuyến điện biết 3 tàu kia cũng gặp địch, đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng và hủy tàu… Anh hội ý cấp ủy, động viên anh em kiên trì; đồng thời chỉ thị cho thủy thủ tra kíp nổ vào từng khối bộc phá gắn sẵn ở các vị trí; triển khai bom chìm (bom tự động nổ ở một độ sâu tương ứng), chờ lệnh… Giờ hủy tàu được ấn định: Phút thứ 25 kể từ khi hoàn thành việc tra kíp nổ, tàu 56 sẽ lao vào một tàu địch ở gần nhất! 25 phút để đến một kết cục bi tráng!

Quyết liệt, im ắng tột đỉnh. Những con mắt trừng trừng. Trần Hậu Vệ ở phía sau bệ lái, liếc sang Thủy thủ trưởng Hoa-người anh quê Bến Tre, lính Quân giải phóng vượt biển ra Bắc, nhập bộ đội Hải quân. Anh Hoa đã có gia đình. Con người ấy luôn luôn nghĩ trong đầu: “Không được để địch bắt sống tàu. Địch bắt sống được tàu, nghĩa là chiến tranh sẽ kéo dài và tàn khốc thêm, càng có nhiều đồng chí, đồng bào phải hi sinh! Nếu bị lộ, tình huống chót sẽ là hủy tàu”… Vệ gạt hoài niệm “Học xong lớp 10, vào đại học, thành kỹ sư, bác sĩ” sang một bên. Anh nghĩ về cha mẹ, chị gái, anh rể và 4 đứa em, chú út mới học lớp 2! Tất cả nỗi nhớ thương đọng lại trong câu chuyện về Mẹ! Mẹ đau dạ dày, khẳng khiu như cây phi lao mọc trên triền đá ven biển, gò lưng chắn gió. Nhớ những ngày Vệ học cấp III dưới huyện, có hôm đi bộ về tới nhà đã khuya, mình mẹ vẫn ngồi chờ Vệ về ăn cơm đựng trong liễn sành ủ chăn!...

Thuyền trưởng Ba, người đàn ông có bộ râu đẹp như tài tử điện ảnh, quê Trà Vinh, dạn dày trận mạc nhìn đăm đăm về phía tàu địch. Mấy lần anh đề nghị chi ủy quyết định lao tàu ta vào bọn chúng… Chính trị viên Đỗ Như Sạn chia sẻ tâm trạng cùng thuyền trưởng; vừa động viên anh em, vừa chỉ đạo: “Nhiệm vụ chính của chúng ta là đưa hàng tới đích. Chúng ta phải khôn khéo giữ đúng đối sách, giữ thế hợp pháp trên vùng biển quốc tế. Chúng ta đã xác định tình huống cuối cùng. Song không phải lúc nào bọn địch cũng biết rõ về chúng ta. Không phải ở chỗ nào kẻ địch cũng có thể tấn công chúng ta. Vả lại, không phải viên đạn nào chúng bắn ra cũng có thể găm vào chúng ta. Bộ Tư lệnh và Lữ đoàn đang quan tâm từng bước đi của chúng ta. Đồng bào, đồng chí đang mong đợi chúng ta. Hãy kiên trì và quả cảm”…

Kim đồng hồ hẹn giờ hủy tàu chỉ phút thứ 20, bỗng xuất hiện một tình huống: Đạn địch thưa dần, vẻ trễ nải… Chi ủy tàu 56 hội ý, phán đoán có thể qua quan sát động thái của ta, địch cho rằng ta là dân đánh cá; tàu ta không phải là tàu quân sự nên chúng không theo đuổi nữa… Ngay lập tức, Chính trị viên Sạn quyết định cho rút hết kíp nổ, dừng phương án hủy tàu.

Bình minh, nhìn ba tuần dương hạm địch lừng lững, rõ mồn một bọn Mỹ ngồi uể oải, gật gù ngủ trên boong. Các thủy thủ tàu 56 kéo cờ Nhật Bản lên cao, căng lưới treo cá gỗ quét sơn (cá giả để lừa địch) lấp lánh màu ánh bạc, cho tàu chạy ra hướng mặt trời mọc…

          … Thủy thủ Trần Hậu Vệ may mắn hơn nhiều đồng đội ở Đoàn TKS. Năm 1971, đeo lon thượng sĩ, anh đã được đi đào tạo sĩ quan tại Học viện Hậu cần; 1974 tốt nghiệp, vào Quân khu 5 tham gia tổng tấn công giải phóng miền Nam. Hòa bình, anh cùng một số đồng chí ở Đoàn TKS, trong đó có thuyền trưởng Vũ Tấn Ích, máy trưởng Nguyễn Xuân Đích (đã từng đưa Bác Hồ đi tàu thăm các đảo hồi 1958-1960) tham gia xây dựng đội tàu thủy của QK5 (nay là công ty Sông Thu). Các anh trực tiếp tổ chức cải tạo 2 tàu biển thu được của địch trong chiến tranh, đặt tên mới cho chúng là: Tàu 19-5 và Tàu 22-12, chuyên vận chuyển hàng xây dựng cho đảo Cù Lao Thu, Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm. Năm 1984, ông Vệ nghỉ hưu với quân hàm Đại úy. Hiện ông sống cùng vợ là nhà giáo Lê Thị Hồng ở Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội; con cháu đề huề, hạnh phúc.

         Tôi hỏi ông, điều gì đã giúp các ông vững vàng trên TKS và sẵn sàng hi sinh thân mình? Ông Vệ tâm đắc: “Sử sách đã lưu truyền. Tất cả bắt đầu từ một nhận thức giản dị: Nhân dân miền Nam cần có vũ khí để đánh giặc. Và cũng bắt đầu từ một niềm tin: Tin vào sự nghiệp chính nghĩa mà mình có vinh dự tham gia; tin vào lãnh đạo; tin vào Sở chỉ huy, vào hậu phương, vào bến; tin vào nhau, tin chính mình... Có thể nói, niềm tin là “bà đỡ” cho mọi thành công của thủy thủ Tàu Không số!”.

HOA FĂNG