Công tác phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương

02:10, 18/10/2011

Với một huyện có đông đồng bào DTTS, công tác phụ nữ trong vùng dân tộc ở huyện Lạc Dương phát huy hiệu quả đã góp phần thay đổi bộ mặt về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đa số dân tộc bản địa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế toàn diện của địa phương.

Với một huyện có đông đồng bào DTTS, công tác phụ nữ trong vùng dân tộc ở huyện Lạc Dương phát huy hiệu quả đã góp phần thay đổi bộ mặt về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đa số dân tộc bản địa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế toàn diện của địa phương.

Đạ Sar là một trong những xã của huyện Lạc Dương có đông đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế, phần lớn kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình đi làm ăn xa. Do đó, chị em phụ nữ phải tập trung vào làm kinh tế để lo cho cuộc sống gia đình nên có nhiều ảnh hưởng đến sự đóng góp cho phong trào và hoạt động Hội LHPN.

Trước tình hình trên, BCH Hội LHPN xã Đạ Sar xác định: phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Muốn đáp ứng được yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, trước hết phải có cán bộ Hội nhiệt tình, năng động, biết vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Hội cấp trên vào tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, cần chú trọng vận động hội viên phụ nữ tích cực học tập nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ về mọi mặt, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN xã đã có chủ trương phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ trong tổ chức Hội, thảo luận bàn bạc thống nhất trong BCH từ xã đến chi hội, tổ phụ nữ về nội dung sinh hoạt, chương trình công tác hàng tháng, quý, năm. Chú trọng đến công tác bồi dưỡng cán bộ Hội và củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức vận động hội viên phụ nữ sao cho phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính năng động, sáng tạo trong hoạt động. Hội đã cử cán bộ hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các chuyên đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Hội còn vận động chị em tích cực học tập dưới nhiều hình thức như đọc sách báo, tham quan, học tập các gương điển hình tiên tiến và qua các phương tiện thông tin đại chúng… Từ những cách học tập trên, trình độ nhận thức và năng lực cán bộ, hội viên được nâng lên rõ rệt, nhiều chị đã mạnh dạn và tự tin hơn trong hoạt động phong trào Hội, nhất là đội ngũ cán bộ Hội ở các chi hội, tổ phụ nữ. Đặc biệt là trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã được Hội LHPN xã Đạ Sar phát huy hiệu quả. Nhiều hội viên phụ nữ đã thoát nghèo, có nhiều chị chịu khó làm ăn phát triển kinh tế gia đình, quản lý sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả như chị Liêng Jrang K’Sôi, chị Kơ Să K’Jang, chị Cil Ỹu K’Thim, chị Kra Jăn ‘El…

Công tác phụ nữ ở xã Đạ Sar đã giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu thì ở thôn Bnơr C, xã Lát lại là một chuyển biến mới trong nhận thức của người dân. Đầu tiên là sự ra đời của Câu lạc bộ “Phụ nữ không có người sinh con thứ 3 trở lên”, trong thôn không còn những gia đình đói nghèo vì đông con, trẻ em được học hành và chăm sóc đầy đủ, từ đó, kinh tế gia đình cũng dần khá lên. Rồi mới đây, Hội LHPN huyện Lạc Dương triển khai cho Hội Phụ nữ xã Lát xây dựng Câu lạc bộ “5 không 3 sạch” và chọn chi hội Bnơr C làm điểm, đã thu hút nhiều hội viên đăng ký thực hiện. Từ khi CLB “5 không, 3 sạch” được thành lập, bộ mặt của thôn Bnơr C có nhiều thay đổi, đường làng ngõ xóm được chị em dọn dẹp sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp, bếp núc gọn gàng, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, con cái chăm ngoan học giỏi, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có trẻ em bỏ học, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình ngày càng giảm, đời sống kinh tế gia đình của chị em ngày càng phát triển. Một trong những nhận thức được thay đổi trong vùng đồng bào DTTS phải kể đến mà công tác tuyên truyền vận động của Hội LHPN huyện làm được là từng bước xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu.

Tuấn Hương