Lâm Đồng có đủ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử

02:10, 20/10/2011

Lâm Đồng là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về hạ tầng thông tin truyền thông, có đủ điều kiện để xây dựng chính phủ điện tử.

Cùng với cả nước, năm 2010, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai cuộc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn trong toàn tỉnh. Kết quả điều tra tại địa phương cho thấy, Lâm Đồng là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về hạ tầng thông tin truyền thông, có đủ điều kiện để xây dựng chính phủ điện tử.

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 5 trong cả nước về tỷ lệ thuê bao điện thoại cố định trên 100 dân
Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 5 trong cả nước về tỷ lệ thuê bao điện thoại cố định trên 100 dân
Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 6 doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ, gồm: VNPT, FPT, EVN, SPT, Viettel, VietNamobile. Đối với dịch vụ nghe nhìn, trên địa bàn tỉnh, ngoài Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh còn có 12 đài phát thanh - truyền hình huyện, thành phố đã chuyển tải kịp thời thông tin trong tỉnh, trong nước và thế giới đền với người dân; đồng thời là kênh thông tin giải trí phục vụ nhu cầu người dân. Kết quả điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ người có điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đạt 37% (con số này chỉ đánh giá mức độ sử dụng điện thoại di động của người dân, không phải là tỷ lệ sử dụng điện thoại trên 100 dân vì có nhiều cá nhân sử dụng nhiều sim điện thoại di động nhưng chỉ tính là 1 thuê bao). Tỷ lệ hộ sử dụng điện thoại cố định đạt 51%, trong đó hộ sử dụng điện thoại có dây chiếm 41% và sử dụng điện thoại không dây chiếm 10% trên tổng số hộ gia đình. Nếu tính theo mật độ điện thoại cố định (thuê bao/100 dân), Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng, tương ứng với 26,3 thuê bao điện thoại cố định/100 dân. Về mức độ phổ cập internet trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có máy tính chiếm 15%, tỷ lệ hộ gia đình có máy tính nối mạng internet đạt 9% và số người biết sử dụng internet chiếm 9,32%. Về phổ cập nghe - nhìn trên toàn tỉnh, hiện có 6% số hộ có máy thu thanh, hầu hết số hộ này ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; có 92% hộ dân có máy thu hình, trong đó 52% số hộ dùng ăng-ten chảo, 19% số hộ dùng ăng-ten dàn và 25% số hộ dùng truyền hình cáp. Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các xã đều có hệ thống truyền thanh - với tổng cộng 153 trạm truyền thanh, trong đó có 35 trạm truyền thanh có dây và 118 trạm truyền thanh không dây. Hằng ngày, các trạm truyền thanh cấp xã đã cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cũng như tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân.

Qua điều tra cũng đã thu thập được số liệu, tình hình sử dụng máy tính và internet tại các cơ quan nhà nước. Ở cấp tỉnh (Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH), hầu hết cán bộ công chức đều được trang bị máy tính để sử dụng, trong đó đa số máy tính có nối mạng nội bộ và kết nối internet. Các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh có 88 máy/153 cán bộ công chức, trong đó có 71 máy tính nối mạng nội bộ và 74 máy nối mạng internet. Ở cấp huyện (Huyện ủy, Thành ủy), có tổng cộng 449 máy tính/363 cán bộ công chức, trong đó 253 máy nối mạng nội bộ và 96 máy nối mạng internet. Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện có 205 máy/271 cán bộ công chức, trong đó có 172 máy nối mạng nội bộ và 173 máy nối mạng internet. Các cơ quan, ban, ngành cấp huyện có 865 máy tính/1.195 cán bộ công chức, trong đó có 535 máy tính nối mạng nội bộ và 619 máy nối mạng internet. Ở các xã, phường, thị trấn (cấp xã), khối văn phòng Đảng ủy xã có 255 máy tính/148 xã, trong đó có 38 đơn vị nối mạng nội bộ và 68 đơn vị nối mạng internet; UBND cấp xã có 634 máy tính/148 xã, trong đó có 21 đơn vị nối mạng nội bộ và 104 đơn vị nối mạng internet; Văn phòng HĐND cấp xã có 38 máy tính, trong đó có 4 đơn vị nối mạng nội bộ và 8 đơn vị nối mạng internet. Với số lượng máy tính được trang bị và khả năng kết nối mạng của các đơn vị, Lâm Đồng có đủ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tiến hành xây dựng chính phủ điện tử.

Ngoài ra, qua điều tra tình hình sử dụng máy tính và internet tại các trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa xã, các trường học trong tỉnh cho thấy: Tại 148 trạm y tế xã có 167 máy tính, trong đó có 1đơn vị nối mạng nội bộ và 4 đơn vị nối mạng internet. Trên toàn tỉnh hiện có 110 điểm bưu điện văn hóa xã sử dụng 227 máy tính, trong đó có 18 đơn vị nối mạng nội bộ và 90 đơn vị nối mạng internet. Trong hệ thống trường học: toàn tỉnh có 263 trường tiểu học sử dụng 1.988 máy tính, trong đó có 88 đơn vị nối mạng nội bộ và 233 đơn vị nối mạng internet; có 141 trường THCS sử dụng 4.256 máy tính, trong đó có 66 đơn vị nối mạng nội bộ và 128 đơn vị nối mạng internet; có 48 trường THPT sử dụng 2.865 máy tính, trong đó có 32 đơn vị nối mạng nội bộ và 48 đơn vị nối mạng internet…

Đảng và Nhà nước đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, thực hiện số hóa truyền hình, xây dựng chính phủ điện tử... Vì vậy, cuộc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn năm 2010 có một ý nghĩa to lớn, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng về phát triển ngành ở tại địa phương. Mặt khác, cuộc điều tra còn cung cấp thông tin rõ ràng, chi tiết, cụ thể về hiện trạng phát triển giúp cho công tác tham mưu của Sở Thông tin - Truyền thông đối với công tác quản lý phát triển ngành ở địa phương đạt hiệu quả cao hơn.

LÊ HỮU TÚC