Một số giải pháp cải cách quản lý thuế đến năm 2020

03:10, 20/10/2011

Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt có một trong những nội dung quan trọng là cải cách công tác quản lý thuế.

Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt có một trong những nội dung quan trọng là cải cách công tác quản lý thuế.

Những năm qua, có thể nói công tác quản lý thuế của nước ta thể hiện chưa đồng bộ trong hệ thống chính sách pháp luật, thủ tục hành chính còn phức tạp, trùng lắp và thiếu đồng bộ giữa các Bộ, ngành, cơ quan, các cấp. Quản lý thuế vẫn chậm đổi mới, cải cách một số khâu quan trọng (kê khai, thu nộp, quyết toán, thanh tra…) dẫn đến quản lý thuế hiệu quả chưa cao, chi phí tuân thủ pháp luật của người nộp thuế còn lớn so với khu vực và các nước trung bình tiên tiến trên thế giới. Chưa có sự kết hợp quản lý thu thuế với quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chưa kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế nhà đất với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của cơ quan Tài nguyên - môi trường. Công tác thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo cơ chế người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế, phương pháp, kỹ năng thanh tra còn chậm chuyển biến chưa theo kịp diễn biến và sự phát triển nhanh chóng của các tập đoàn, công ty đa quốc gia đa ngành nghề, lĩnh vực… Một bộ phận cán bộ quản lý thuế trình độ hiểu biết và thực thi chính sách thuế, kỹ năng quản lý chuyên sâu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý thuế.

Khắc phục tình trạng trên, mục tiêu và yêu cầu cải cách quản lý thuế đến năm 2020 là phải hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ người nộp thuế. Ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, đưa Việt Nam thuộc nhóm nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020.

Vậy giải pháp nhằm cải cách quản lý thuế đến năm 2020 là gì? Trước hết phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế tạo thuận lợi cho người nộp thuế; sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về thời gian khai thuế, nộp thuế để giảm tần suất kê khai, nộp thuế, chi phí của người nộp thuế, mở rộng diện doanh nghiệp đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử, qua mạng internet; thay đổi phương pháp tính thuế, mức thuế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế kinh doanh dưới “ngưỡng tính thuế giá trị gia tăng” và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các khoản phí, lệ phí; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao; xây dựng và áp dụng chế độ kế toán thuế đảm bảo ghi chép đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Ngoài ra, cần chú trọng phân loại người nộp thuế để áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ thực thi pháp luật thuế cho phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế; chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử, cung cấp các dịch vụ tra cứu hoặc trao đổi thông tin điện tử về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế…

Có nhiều vấn đề cần tập trung cải cách, song một việc đang đặt ra cấp bách là phải xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế, đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thuế chuyên nghiệp, chuyên sâu, trung thực, trong sạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ; kiện toàn hệ thống pháp chế chuyên trách. Nghiên cứu việc xã hội hóa trong hoạt động cấp phép đối với đại lý thuế, chứng chỉ hành nghề dịch vụ về thuế…

BN