Ngành nghề nông thôn giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động

03:10, 20/10/2011

(LĐ online) -  Ngày 20/10, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn.

LÂM ĐỒNG HIỆN CÓ 22 LÀNG NGHỀ VỚI SỰ THAM GIA CỦA GẦN 7.000 LAO ĐỘNG

(LĐ online) - Ngày 20/10, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn.
   
Theo báo cáo, hiện nay cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 3.251 làng có nghề và trên 1.300 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006 của Bộ NN&PTNT. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm, hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn 60% nhân lực lao động. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 450 ngàn đồng đến 4 triệu đồng/tháng, gấp 1,5-4 lần so với lao động thuần nông. Tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn năm 2010 của 30/51 tỉnh, thành phố  đạt gần 78.195 tỷ đồng. Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình là 5 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề.
   
Lâm Đồng hiện có 22 làng nghề với khoảng trên 3.800 hộ và gần 7000 lao động tham gia. Là một tỉnh miền núi, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng có nhiều dân tộc sinh sống vì thế ngành nghề của Lâm Đồng được đánh giá là đa dạng về bản sắc sản phẩm. Mức thu nhập của người lao động tại các làng nghề trong tỉnh thường cao gấp 2 đến 3 lần so với thu nhập của lao động thuần nông (bình quân 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, có nhiều nghề cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, như nghề đúc nhẫn bạc ở xã Tu Tra, Đơn Dương hay các làng nghề trồng hoa tại Đà Lạt. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có ngành nghề thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh.
   
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã thừa nhận, việc phát triển ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn mà nổi bật là tình trạng thiếu nguyên liệu, nhất là với sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và dành nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người lao động trong các cơ sở sản xuất và cộng đồng.
 
T.LINH