Vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt, những người mẹ, người vợ không quản ngại vất vả để vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
KA KEM XUẤT SẮC TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC
Nhà của chị Ka Kem (SN 1977) ở thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm tuy đơn sơ bằng gỗ ván nhưng bên trong có rất nhiều bằng khen về thành tích của mẹ và các con làm cho căn phòng sáng hơn. Đặc biệt, tấm bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh ký tặng cho chị Ka Kem có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2008 được treo trang trọng giữa nhà. Ka Kem nói với chị em phụ nữ đến thăm rằng: “Bây giờ nhà mình như vầy nhưng 3 năm sau chắc là khác rồi. Giờ mình lo đầu tư cho con ăn học, sau rồi mới làm nhà đẹp”.
Ba đứa con của chị: Ka Thư đang học lớp 12, Ka Ư học lớp 11 và Ka Hoàng học lớp 6, đều là học sinh tiên tiến nhiều năm. Ka Kem đi đình sản 2 năm rồi, chị giải thích mộc mạc: “Mình làm Tổ trưởng tổ phụ nữ trong thôn mình phải sinh ít con để làm gương, mình cố gắng thoát nghèo rồi mình lại giúp cho chị em khác. Làm phụ nữ mà không giúp chị em cũng buồn, có tiền thì giúp tiền, có quần áo thì giúp quần áo và động viên chị em”. Ka Kem rất khéo ăn khéo nói, mộc mạc, chân tình, chị đã vận động chồng bỏ rượu, thuốc lá và khoe rằng: “Bây giờ chồng mình không nhậu, không hút thuốc, hàng ngày siêng năng làm việc ngoài vườn”. Chị còn là tổ trưởng tổ vay vốn quản lý nguồn vốn 190 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp cho 15 chị sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Hỏi thăm về việc làm ăn thu nhập từ 2,5 ha vườn trồng cà phê, chè, có ao tưới nước vừa nuôi cá, nuôi đàn gà 20 con một năm có đến 100 triệu đồng không, Ka Kem bảo chỉ hơn 90 triệu đồng thôi. Chị tâm sự: “Ngày xưa mình nghèo lắm, bây giờ thì tàm tạm rồi, nhờ Hội Phụ nữ giúp đỡ cho vay vốn nhiều đợt tổng cộng 18 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cà phê tốt hơn, thu nhập có dư, không còn ở trong danh sách hộ nghèo nữa!”.
CHỊ KIM THỊ HIỀN SẢN XUẤT GIỎI, NUÔI 4 CON VÀO ĐẠI HỌC
Về thôn 8, xã Đạm’ri (Bảo Lộc) thăm gia đình chị Hiền giống như một trang trại nhỏ. Ngôi nhà nhỏ vắng vẻ chỉ có 2 vợ chồng với niềm vui hàng ngày là nuôi tằm, nuôi heo và chăm sóc vườn tược. Chị Hiền (SN 1965) nhớ lại vào năm 1985 khi vợ chồng chị rời Hà Tây vào Đạm’ri lập nghiệp làm công nhân dâu tằm vất vả, thu nhập chỉ đủ ăn. “Thời kỳ dâu tằm tơ xuống dốc, nhiều người bỏ đi nơi khác nhưng chúng tôi vẫn bám trụ đất này. Bây giờ, trong nhà thứ gì cũng có: trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi heo, trồng chè, cà phê. Khi mới vào đây đường sá không có, bây giờ cuộc sống khác xưa nhiều”.
Dĩ nhiên bên cạnh chị Hiền luôn có người chồng là anh Lê Minh Tiến (SN 1962) cùng đồng lòng hợp sức nỗ lực vượt nghèo. Làm ăn tích lũy dần để đầu tư mở rộng đất đai canh tác, đến nay gia đình anh chị Hiền có 2 ha cà phê, 4 sào chè, 4 sào dâu để nuôi tằm bình quân 1,2 tạ kén/tháng và đang nuôi 3 con heo nái, 25 con heo thịt. Với tổng thu nhập 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí đầu tư chăm bón, gia đình chị Hiền thu lãi ròng 260 triệu đồng/năm.
Nhà vắng vì tất cả 4 người con của gia đình chị Hiền đều đang học đại học ở Tp.HCM. Trong đó, 2 con đã ra trường có việc làm ở thành phố lớn và 2 con đang là sinh viên đại học Bách khoa và Kinh tế. Chị Hiền cho biết: “Cao điểm là vào năm 2009, vợ chồng tôi mướt mồ hôi lo con ăn học. Đứa con út học 12 còn lại các con nối nhau học đại học, đứa con đầu học năm thứ 4, chi phí ăn học cho các con 7-8 triệu đồng/tháng”. Nhờ vay vốn học sinh, sinh viên qua kênh tín chấp của Hội Phụ nữ với Ngân hành Chính sách Xã hội, gia đình chị Hiền đã giải quyết được chi phí ăn học cho các con những lúc khó khăn. Đồng thời, bằng nghị lực vươn lên xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới, gia đình chị Hiền đã vươn lên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
KA HUYỀN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Ở khu phố Xoan - thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) ai cũng biết Ka Huyền (34 tuổi) rất năng nổ nhiệt tình với công tác phụ nữ. Ka Huyền là người dân tộc K’Ho có chồng là anh Tòng Văn Giót (45 tuổi) người dân tộc Thái, cả hai đều suy nghĩ rất hiện đại trong xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Hai vợ chồng hàng ngày lao động chăm sóc 6 sào cà phê, 2 sào ruộng để có thu nhập ổn định, anh Giót còn tranh thủ thời gian chơi đàn ghi-ta trong ban nhạc phục vụ đám cưới, tiệc tùng cho bà con, Ka Huyền còn làm vai trò chi hội trưởng phụ nữ khu phố Xoan. Niềm vui từ phong trào văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chị em phụ nữ đã giúp cho hai vợ chồng Ka Huyền có tinh thần lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ tích cực, luôn cởi mở với mọi người.
Khu phố Xoan có 115 chị em thì có 91 chị em dân tộc thiểu số và 24 chị người Kinh. Vì vậy, Ka Huyền là “thủ lĩnh” của phụ nữ khu phố nên rất ý thức trong việc gương mẫu làm tốt vai trò của người cán bộ Hội. Chị cho biết: “Mình phải lao động tích cực, chăm sóc cây trồng theo khoa học để có năng suất. Trong gia đình mình phải nuôi dạy con tốt, học giỏi, dạy con sống không đua đòi, khuyên chồng con chọn bạn mà chơi”. Cách nghĩ tiến bộ của Ka Huyền đã đem lại kết quả tốt đẹp khi chúng tôi nhìn vào xấp bằng khen học sinh giỏi, tiên tiến nhiều năm liền của 2 con chị, đó là Tòng K’Quốc Sỹ (lớp 10) và Tòng K’Hồng Phương (học sinh lớp 4). Ka Huyền rất tự hào cho rằng: “Mình chỉ sinh có 2 con thôi! Dạy bảo 2 đứa thì nói dễ hơn là đông con. Nếu có đông con thì mình dạy đứa này sẽ hụt đứa khác, không lo tới nơi tới chốn hết được. Vợ chồng hòa hợp cùng chăm lo cho gia đình, ai đi về nhà trước thì lo cơm nước, mình có thời gian tham gia phong trào phụ nữ, vận động chị em đều tin tưởng nghe theo”.