Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

03:10, 13/10/2011

“Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; của cả hệ thống chính trị chứ không phải của một ngành nào”. Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh.

“Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; của cả hệ thống chính trị chứ không phải của một ngành nào”. Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh.

Hiện tại, huyện Đạ Tẻh có 1 chợ trung tâm và 2 chợ thuộc các xã. Tuy đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, trang bị các thiết bị PCCC, nhưng nguy cơ về cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn, nhất là tại các chợ xã - nơi còn thiếu sự quản lý chặt chẽ và chưa bố trí đầy đủ lực lượng PCCC tại chỗ. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cải tạo rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế gắn với việc khoanh nuôi, quản lý bảo vệ của một số đơn vị chủ rừng chưa được quan tâm đúng mức… chính là nguy cơ tiềm ẩn trong công tác phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, tình trạng sử dụng điện trong nhân dân còn khá tùy tiện, chưa đảm bảo an toàn cũng dễ gây ra cháy nổ.
 
Một đội chữa cháy chuyên trách tại Đạ Tẻh là yêu cầu cấp thiết trong công tác PCCC tại địa phương
Một đội chữa cháy chuyên trách tại Đạ Tẻh là yêu cầu cấp thiết trong công tác PCCC tại địa phương

Từ tình hình thực tế địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Đạ Tẻh luôn xác định, PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chú trọng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ PCCC đến các cơ quan, ban ngành và các cấp chính quyền cơ sở. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến Luật PCCC, một số biện pháp phòng chống cháy nổ sát với tình hình thực tế đến với các tầng lớp nhân dân. Đài Phát thanh - Truyền hình huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định về PCCC, nguyên nhân, tác hại do cháy gây ra… Bình quân mỗi năm đưa khoảng 20 tin, bài, và hằng tháng xây dựng một phóng sự chuyên đề về phòng chống cháy nổ; riêng trong mùa khô, vào cuối chương trình phát thanh buổi sáng đều phát lời nhắc nhở mọi người phải cảnh giác khi sử dụng củi lửa, thiết bị điện… nhất là trong lúc vắng nhà. UBND các xã, thị trấn thông qua các cuộc họp dân đã lồng ghép tuyên truyền công tác PCCC sát với thực tế các khu dân cư, nhất là các khu dân cư ven rừng, các hộ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ… “Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về PCCC, các biện pháp phòng chống cháy nổ được triển khai thường xuyên và có chiều sâu; qua đó đã nâng cao ý thức PCCC trong nhân dân, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng một số phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, góp phần làm giảm số vụ cháy và hậu quả do cháy gây ra” - ông Phạm Ngọc Anh Tuấn khẳng định.

Song song với công tác tuyên truyền, việc xây dựng thực lực PCCC tại cơ sở cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Với phương châm “4 tại chỗ”, trong đó công tác xây dựng lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở đã được Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Hiện tại, các xã, thị trấn trong huyện Đạ Tẻh đều xây dựng đội PCCC với biên chế mỗi đội có 15 thành viên; các cơ quan, doanh nghiệp duy trì đội PCCC tại đơn vị mình với biên chế mỗi đội 12 thành viên. Các đơn vị, địa phương cũng đã đầu tư trang thiết bị PCCC như bình khí CO2 được lắp đặt ngay trong cơ quan, trụ sở làm việc; máy bơm nước, bồn chứa nước cùng với các dụng cụ như câu liêm, sào dập lửa… để phục vụ cho công tác PCCC. Đặc biệt, để cung cấp nguồn nước PCCC, năm 2010 UBND huyện Đạ Tẻh đã triển khai lắp đặt 20 trụ nước chữa cháy tại khu vực thị trấn Đạ Tẻh, bước đầu đã khắc phục một phần khó khăn trong sử dụng nguồn nước chữa cháy.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, trong hoàn cảnh lực lượng và phương tiện PCCC còn nhiều hạn chế thì việc xác định địa bàn trọng điểm, mục tiêu có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, từ đó tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm cũng là một giải pháp hữu hiệu trong công tác PCCC tại huyện Đạ Tẻh trong thời gian qua. Ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện xác định các địa bàn trọng điểm, những khu vực xung yếu để có biện pháp quản lý công tác phòng chống cháy nổ hợp lý; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng các phương án PCCC phù hợp và sát với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị… Mặt khác, Công an huyện phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác PCCC như: chưa trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, lắp đặt hệ thống biển báo PCCC…

Trước tình hình phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của huyện Đạ Tẻh trong những năm gần đây, công tác PCCC đòi hỏi có sự đầu tư về lực lượng cũng như trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Hiện tại, Đạ Tẻh nói riêng và 3 huyện phía Nam nói chung rất cần thiết thành lập đội chữa cháy chuyên trách để đảm bảo yêu cầu công tác PCCC.

TỨ KIÊN